Liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc dư luận, cách nào ngăn chặn?
Thời gian qua cả nước liên tiếp xảy ra loạt vụ bạo lực học đường với tính chất ngày càng phức tạp, độ tuổi ngày càng trẻ hóa... Đa số các sự việc đều là nữ sinh hành hung nữ sinh, sau khi clip bị phát tán lên mạng xã hội thì các đơn vị liên quan mới nắm bắt được thông tin.
Nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng
Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Những số liệu đó là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.
Đầu tháng 6/2024, tại huyện Chương Mỹ - Hà Nội, xảy ra sự việc một bé gái 14 tuổi bị bạn học ép hút thuốc lá nghi có ma túy, đồng thời đánh đập, làm nhục một cách dã man gây bức xúc dư luận.
Theo đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ngày 9/6 cho thấy, bé gái bị nhóm bạn lấy vật giống thuốc lá (có giọng nói vọng vào nói đó là ma túy, chất kích thích), bắt châm lửa và hút. Ngoài ra, nhóm bạn này còn nói bé gái thích hút ke hay bóng cười?.
Sau đó, nhóm bạn này đã đánh đập và lột đồ bé gái. Bên cạnh clip ghi lại toàn bộ vụ việc thì còn có 2 clip bé gái này đang nằm viện điều trị cùng nhiều hình ảnh khác có liên quan.
Hay trước đó 2 tháng, vào đầu tháng 4/2024, người dân cung cấp một đoạn clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị lột áo (chỉ còn mang áo ngực) quỳ dưới đất. Lúc này, nhiều nữ sinh khác đã liên tiếp đấm, đá vào mặt nữ sinh. Bị vây đánh, nạn nhân chỉ biết ôm đầu chịu trận. Nạn nhân lên tiếng "xin lỗi chị" nhưng nhóm nữ sinh vẫn không buông tha, lại khiêu khích: "Sao không phản lại, đang chờ phản lại đấy".
Sau một hồi hành hạ, nhóm nữ sinh mới cho nạn nhân mặc áo lại nhưng vẫn tiếp tục đánh đập. Đoạn clip do một nữ sinh trong nhóm đặt điện thoại để tự quay lại. Nhóm nữ sinh đánh bạn được xác định là học sinh lớp 8, lớp 9 tại 1 trường THCS trên địa bàn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và 1 em đã nghỉ học.
Tháng 1/2024, tại Vĩnh Long xảy ra sự việc nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng tổn thương sọ, gãy sống mũi. Thông tin ban đầu, do mâu thuẫn dẫn tới cãi nhau trên facebook, một nhóm học sinh đã hẹn nhau gặp trực tiếp để nói chuyện. Tại đây em T.H.B.T (học lớp 11 tại một Trung tâm GDNN-GDTX) đã bị một nhóm người đánh hội đồng. Nữ sinh này bị chấn thương đầu, tổn thương nội sọ, gãy đốt giữa ngón tay phải, gãy xương chính mũi…
Mặc dù số liệu báo cáo cho thấy bạo lực học đường đã từng bước được hạn chế, tuy nhiên các chuyên gia nhận định thực trạng bạo lực học đường đang có tính chất phức tạp. Nhiều vụ việc có tổng số người tham gia lớn, sử dụng hung khí nguy hiểm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều vụ bạo lực học đường được thực hiện bởi học sinh nữ. Nhiều vụ việc được quay video lại và phát tán trên các nền tảng mạng xã hội hoặc chia sẻ trên các hội, nhóm.
Các hình thức bạo lực học đường cũng trở nên ngày càng đa dạng (nói xấu nhau trên mạng, sử dụng, phân nhóm đối xử, chia thành các hội, nhóm ngay trong một tập thể,…).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, hiệu trưởng và giáo viên các trường học hiện nay vẫn còn thiếu kỹ năng xử lý bạo lực học đường. Ngoài ra, phân tích về căn nguyên bạo lực học đường gia tăng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ việc xung đột và bạo lực trong gia đình.
“Với 220.000 vụ ly hôn mỗi năm, trong đó 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực, học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Một tỷ lệ lớn học sinh là nạn nhân bạo lực gia đình tiếp tục là nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực học đường”, ông Sơn nói.
10 giải pháp phòng chống bạo lực học đường
Trước thực trạng bạo lực học đường có tính chất phức tạp, công tác phòng chống còn những hạn chế, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường. Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, nơi để xảy ra hành vi bạo lực học đường. Xây dựng quy trình xử lý đối với hành vi bạo lực học đường.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường với các nội dung cụ thể, hình thức phong phú, đa dạng.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.
Thứ tư, lựa chọn các nội dung cần thiết để lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường trong các môn học trong chương trình giáo dục một cách hợp lý, hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học. Giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để không bị ảnh hưởng bởi bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội.
Thứ sáu, xây dựng cổng thông tin phòng chống bạo lực học đường nhằm đánh giá sàng lọc, phát hiện và dự báo sớm cho địa phương nguy cơ bạo lực, tổn thương sức khỏe tâm thần; tiếp nhận phản ánh nhanh các nguy cơ tự hại và tự sát.
Cổng thông tin phòng chống bạo lực học đường cũng sẽ giúp cung cấp đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, quy trình hướng dẫn, kết quả ứng dụng của các mô hình phòng chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn; kết nối chuyên gia để xử lý nhanh các khủng hoảng phát sinh.
Thứ bảy, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Xây dựng đơn vị thực hiện chức năng tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong cơ sở giáo dục; xây dựng vị trí việc làm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục.
Thứ tám, tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường trong quản lý giáo dục học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình về các hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh.
Nhà trường cần hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan thông qua việc ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực học đường.
Thứ chín, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường và hành vi cổ xúy cho bạo lực học đường.
Thứ mười, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm một số mô hình quốc tế phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả đã được quốc tế công nhận để tiến hành Việt hóa, cung cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục xem xét, lựa chọn, đưa vào sử dụng.