Liên tiếp sạt lở đất nghiêm trọng, Đà Lạt đề xuất chi 700 tỷ đồng để xử lý
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn, mới đây, UBND TP. Đà Lạt ( tỉnh Lâm Đồng) đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc thẩm định, phê duyệt danh mục chủ trương đầu tư các dự án khẩn cấp phòng, chống sạt lở.
Đề xuất xây dựng 10 dự án
Mùa mưa lũ năm 2023, tại TP. Đà Lạt liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân. Chỉ trong tháng 6/2023, trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ sạt lở đất, taluy sau các trận mưa lớn kéo dài khiến 5 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều căn nhà bị hư hại.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng này, mới đây Ủy ban Nhân dân TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc thẩm định, phê duyệt danh mục chủ trương đầu tư các dự án khẩn cấp phòng, chống sạt lở, ngập lụt, sụt lún trên địa bàn với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.
Cụ thể, 10 dự án được đề xuất nằm trong khu vực hồ chứa nước, ven suối, các cống ngầm thường xuyên bị ngập cục bộ khi mưa lớn và những vị trí có bờ taluy cao, nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa bão.
Trong số đó, Dự án gia cố suối Cam Ly đoạn từ hồ Mê Linh đến đường Lữ Gia mở rộng và xây tuyến giao thông dọc suối Cam Ly với mức đầu tư dự kiến hơn 170 tỷ đồng nhằm cải tạo suối Cam Ly để chống ngập úng, chia cắt, cô lập cục bộ; cải thiện thoát lũ, hoàn thiện hạ tầng đất sản xuất và đảm bảo tính mạng cho người dân.
Dự án cải tạo, mở rộng suối Phan Đình Phùng, đoạn từ cầu Tản Đà đến suối Cam Ly dài khoảng 600m, với kinh phí 19 tỷ đồng nhằm khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ thường xuyên xảy ra tại khu vực này sau các trận mưa lớn trong thời gian gần đây.
TP. Đà Lạt cũng đề xuất thực hiện Dự án sửa chữa, khôi phục hồ Vạn Kiếp khu vực Phường 7 và Phường 8 với kinh phí 282 tỷ đồng nhằm khôi phục lòng hồ để điều tiết, cắt giảm lũ, tạo cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và xả, rửa môi trường nước cho hệ thống suối Phan Đình Phùng-Cam Ly.
Các dự án còn lại được thành phố đề xuất như Kiên cố hóa suối Nghệ Tĩnh, Vạn Kiếp (Phường 8); Dự án nạo vét hồ Mê Linh (Phường 9); Dự án kiên cố hóa suối hạ lưu hồ Thái Phiên đến hồ Than Thở (Phường 12); Dự án nâng cấp, mở rộng cầu Đống Đa (Phường 3); các dự án xây kè chống sạt lở đường Vạn Thành, đường Hà Huy Tập và đường Đống Đa.
Nếu được phê duyệt, các dự án trên sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Sạt lở đã khiến 9 người chết, thiệt hại hơn 23 tỷ đồng
Trước đó chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Hà Lộc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 7 tháng đầu năm, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương thường xảy ra mưa lớn, lốc xoáy và sạt lở khiến 9 người chết. Ảnh hưởng thời tiết cũng làm hư hỏng 235 căn nhà, 283ha cây trồng, 210m đường giao thông… do thiên tai, ước tính thiệt hại hơn 23 tỉ đồng.
Đáng chú ý là sự cố sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc (ngày 30/7) khiến 4 người chết. Trước đó 1 tháng, sự cố sạt lở đất, gãy ta luy làm chết 2 người tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, Đà Lạt).
Bên cạnh đó, qua rà soát, toàn tỉnh ghi nhận 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Các địa phương đã chủ động sơ tán 2 hộ dân tới nơi an toàn, còn 16 hộ khác trong khu vực xung yếu sẵn sàng di dời khi mưa lớn.
Đối với 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, ông Nguyễn Hà Lộc cho biết địa phương đã lên kịch bản trong từng tình huống ứng phó. Cụ thể hơn, 94 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Còn 150 hộ dân khác ở các điểm xung yếu thì các địa phương theo dõi để sẵn sàng di dời khi tình hình thời tiết xấu. Các huyện đang ghi nhận các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Phá rừng có phải là nguyên nhân?
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, việc phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, lũ quét chứ không phải là nguyên nhân chính. Đầu tiên là yếu tố thời tiết tự nhiên bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Qua theo dõi tôi đánh giá năm nay thời tiết bất thường nắng nóng gay gắt, sau đó mưa nhiều làm cho hệ thống kết cấu của đất đá, sườn núi chuyển sang trạng thừa nước, cộng với địa hình đèo núi, taluy nên khi mưa với lượng nhỏ thôi cũng có thể kích hoạt gây ra sạt lở đất. Vì thế sạt lở đất đã diễn ra tại nhiều địa phương, kể cả nơi có rừng cũng bị ảnh hưởng.
Lượng mưa nhiều chỉ là một phần của nguyên nhân bởi tình trạng phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rồi quy hoạch xây nhà, công trình xây dựng sai quy hoạch đang làm mất ổn định nền đất đá tại những khu vực sườn dốc. Đến các tỉnh miền núi ngay trên đường quốc lộ chúng ta có thể thấy cảnh nhiều nhà dân được xây dựng ở ngay phía dưới sườn núi. Khi mưa lớn, lâu và dài ngày thì xảy ra việc sạt lở gây ra những thảm họa đáng tiếc. Như tại vùng Đà Lạt, hay Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang xây dựng quá nhiều. Làm như thế thì độ taluy giảm dốc đi nhiều, rất nguy hiểm. Cho nên việc sạt lở, lũ quét có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc phá rừng, phá quy hoạch, xây dựng nhà ở vùng có bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao sạt lở.