Liên tiếp sạt lở đe dọa nhà dân, ảnh hưởng lưu thông khu vực miền Tây

Những vụ sạt lở nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, sạt lở lộ giao thông nông thôn, việc lưu thông khó khăn.

Nhiều tuyến giao thông nông thôn bị chia cắt do sạt lở

Ngày 5/6, theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Sóc Trăng, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, tại tuyến sông Rạch Mọp đã xảy ra liên tiếp 4 vụ sạt lở đất, với tổng chiều dài bị sạt lở trên gần 250m, chiều ngang ăn sâu vào đất liền hơn 15m - 25m.

Tuy không thiệt hại về người nhưng sạt lở làm ảnh hưởng đến đê bao, lộ nông thôn và nhà cửa của người dân địa phương, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Sạt lở xảy ra tại tuyến sông Rạch Mọp (ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vào khoảng 21h30 ngày 1/6, gây chia cắt giao thông

Sạt lở xảy ra tại tuyến sông Rạch Mọp (ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vào khoảng 21h30 ngày 1/6, gây chia cắt giao thông

Gần đây nhất, xảy ra tại tuyến sông Rạch Mọp (ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vào khoảng 21h30 ngày 1/6.

Vụ sạt lở chiều dài 70m, chiều ngang 25m đã làm thiệt hại gần 80 m lộ bê tông nhỏ ở nông thôn, sạt đê bao cho vườn cây ăn trái, đường dây điện, ống nước và gây khó khăn trong việc di chuyển của người dân; ước tổng mức thiệt hại hơn 250 triệu đồng.

Hiện, xung quanh khu vực sạt lở còn xuất hiện thêm nhiều vết nứt.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan gắn biển cảnh báo đảm bảo ATGT. Huy động lực lượng tại chỗ cưa cây tán lớn, di dời đường dây điện, đường nước và vận động nhân dân đắp tạm bờ bao ngăn triều cường, bảo vệ vườn cây ăn trái, khẩn tương khắc phục hậu quả vụ sạt lở.

Sạt lở tuyến kênh 6 Thước Lớn (thuộc ấp 2, xã An Trạch A) có chiều dài 20m, chiều rộng 10m, độ sâu từ 3-5m

Sạt lở tuyến kênh 6 Thước Lớn (thuộc ấp 2, xã An Trạch A) có chiều dài 20m, chiều rộng 10m, độ sâu từ 3-5m

Tại Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều cơn mưa lớn đầu mùa.

Thông thường, khi đường giao thông nông thôn bị sạt lở, chính quyền địa phương phải vận động các hộ dân hiến phần đất phía sau nhà, mở đường tạm cho người dân lưu thông...

Đồng thời, xảy ra hàng loạt vụ sạt lở bờ sông, đường giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhiều hộ dân trên địa bàn.

Điển hình, tại tuyến sông Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn thuộc ấp 2, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, người dân phản ảnh vừa xảy ra vụ sạt lở và vết nứt đất dài khoảng 60m. Qua khảo sát có 10 căn nhà bị sụp một phần sau nhà và xuất hiện nhiều vết nứt.

Trên địa bàn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, ngày 22/5, xảy ra vụ sạt lở tuyến kênh 6 Thước Lớn (thuộc ấp 2, xã An Trạch A). Đoạn đường bị sạt lở có hiều dài 20m, chiều rộng 10m, độ sâu từ 3-5m, tổng diện tích sạt lở khoảng 300m2.

Trước đó, ngày 25/2, thủy triều dâng cao, kết hợp gió lớn đã xảy ra sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng.

Vị trí sạt lở có tổng chiều dài là 46m. Trong đó, một đoạn đê dài 25m (có chiều rộng sạt lở 6m, sâu 1,5m) và một đoạn đê dài 21m (có chiều rộng sạt lở từ 1 - 3m, sâu 1m).

Sạt lở đê biển Đông vị trí giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng bị sạt lở có tổng chiều dài là 46m vào ngày 25/2

Sạt lở đê biển Đông vị trí giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng bị sạt lở có tổng chiều dài là 46m vào ngày 25/2

Sự cố sạt lở trên là do vị trí bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, các ngày triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở mái đê và thân đê rất nghiêm trọng.

Từ đó, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông, đoạn Km 0+000 - Km 0+046 (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Sạt lở làm lộ giao thông nông thôn ở Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Sạt lở làm lộ giao thông nông thôn ở Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cà Mau, An Giang, Cần Thơ cũng bị thiệt hại nặng nề do sạt lở

Tại Cà Mau, theo báo cáo từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại. Cụ thể: chìm 3 phương tiện; 28 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; sập 1 đáy hàng khơi (dụng cụ bắt cá - PV); 11 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 298m; vỡ 1.727m bờ bao. Ước tính thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng.

Điển hình vụ sạt lở gần đây, vào khoảng 22h ngày 19/5, sạt lở xảy ra tại khu vực chợ nhà lồng Kinh 17 (thuộc ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) làm ảnh hưởng đến 2 hộ dân ven tuyến Kinh 17, thiệt hại ước tính trên 100 triệu đồng.

Một vị trí sạt lở xảy ra trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) làm giao thông bị chia cắt

Một vị trí sạt lở xảy ra trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) làm giao thông bị chia cắt

Trước đó, vào lúc 1h10 ngày 10/5, tại khu vực chợ Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn cũng đã xảy ra vụ sạt lở đất làm sụp hoàn toàn 2 căn nhà xuống sông và 2 căn nhà bị sụp một phần. Các căn nhà này được cất tạm ven sông để buôn bán. Ước tổng thiệt hại trên 140 triệu đồng.

Khoảng 2h30 sáng nay - 5/6, tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cũng xảy ra vụ sạt lở khiến khoảng hơn 70m đường giao thông nông thôn trôi tuột xuống sông... Có đoạn, sạt lở ăn sâu vào đất liền 4-5m...

>>> Clip ghi nhận vụ sạt lở tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ rạng sáng nay:

Còn ở An Giang, trong 2 ngày 30 - 31/5, trên địa bàn huyện Chợ Mới, huyện Châu Phú và TP Long Xuyên liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất, nứt bờ kênh, rạch khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Cụ thể, vào ngày 30/5, xảy ra 1 vụ sạt lở đất bờ kênh Hội An - Hòa An, đoạn qua khu vực thuộc tổ 3, khóm Thị 1, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới với chiều dài đoạn sạt lở 40m, ăn vào đất liền khoảng 3 - 4m, khiến 2 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.

Cũng trong ngày 30/5, xảy ra 1 vụ sạt lở đất bờ nam kênh Ba Thê, Tỉnh lộ 947, đoạn qua khu vực thuộc tổ 5, ấp Bình Chánh 1, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Đoạn sạt lở dài 10m, ăn vào đất liền khoảng 13m. Sạt lở làm ảnh hưởng đến 1 nhà kho.

Ngày 31/5, trên địa bàn TP Long Xuyên xảy ra hiện tượng nứt đường cặp bờ rạch Cái Sắn, đoạn từ cầu Cái Sắn lớn đến cầu Năm Sú, khu vực thuộc tổ 17, khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh với chiều dài khoảng 35m, vết nứt dao động từ 1 đến 20 cm. Vết răn nứt khiến 7 căn nhà bị nghiêng ra bờ rạch Cái Sắn…

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân sạt lở đất do mái bờ kênh, rạch thẳng đứng, sự chênh lệch của mực nước triều lớn, nền đất yếu, tác động của dòng chảy, sóng của các phương tiện giao thông thủy, bộ kết hợp với mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày làm cấu trúc đất thiếu chắc chắn…

Để tránh thiệt hại, theo cơ quan chức năng, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu bất thường.

Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Cần bảo vệ tính mạng trước tiên.

Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.

Không được đi qua hoặc lại gần quanh khu vực sạt lở đất; Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, rạch khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần.

Không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-sat-lo-de-doa-nha-dan-anh-huong-luu-thong-khu-vuc-mien-tay-d593156.html