Liên tiếp thầy cô mạt sát, chửi bới, hành hạ học sinh: Đừng để thành bệnh di truyền mãi!

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục thì việc chửi bới, mạt sát, hành hạ học sinh là cách làm phản khoa học, phản giáo dục, không có ý nghĩa nhân văn.

Thời gian qua, dư luận chú ý đến nhiều hành vi thiếu chuẩn mực của nhiều giáo viên đối với học sinh của mình.

Tại một phòng học thêm ở quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, cô giáo liên tục xưng mày tao với học trò, mạt sát, chửi bới, sỉ nhục học trò khiến nhiều người không thể tưởng tượng được tại sao lại có thức ngôn ngữ như vậy trong môi trường học đường.

Học sinh cần được dạy bảo bằng phương pháp khoa học.

Vụ việc chưa ngớt thì tại Cà Mau, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (phường 1, TP Cà Mau) đã dọa nạt, quát mắng, tạo áp lực khiến các em học sinh đành phải nhặt thức ăn trong thùng rác để ăn.

Sự việc này chưa kịp lắng xuống thì hình ảnh cô giáo vứt sách vở học sinh xuống đất được tung lên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình cho hành động kỳ quặc của mình.

Hiện nay, khi nhiều tỉnh thành đang cho học sinh đi học trở lại. Sau thời gian dài học online, việc quay lại trường học áp lực bài vở càng lớn.

Chính vì những áp lực trong học tập, thi cử nên số vụ bạo hành học sinh có vẻ đang tăng lên.

Xung quanh vấn nạn này, nhiều người cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của thực trạng hành hạ học sinh trong nhà trường.

Giải thích về vấn nạn này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, cái gốc những giáo viên hay chửi bới, dọa nạt, mạt sát học sinh như vậy là do không được đào tạo bài bản.

Những giáo viên này thiếu sự hiểu biết về tâm lý giáo dục học sinh, ứng xử với học sinh thiếu nghiệp vụ. Họ chỉ làm theo ý muốn của mình mà không căn cứ vào khoa học hay kỹ năng nghề nghiệp.

“Những hành vi như vậy là bất chấp tất cả những quy định của ngành, đi ngược với những kiến thức về khoa học giáo dục chứ không xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ, tôn trọng trẻ.

Việc thầy cô tự coi mình là lớn nhất, thích mình nói gì học sinh phải làm theo, phải học theo thành ra làm việc gì cũng áp đặt theo ý của mình. Đây là thói quen thích hành hạ học sinh chứ không phải giáo dục” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia tâm lý giáo dục này, việc chửi bới, mạt sát, hành học sinh là cách làm phản khoa học, phản giáo dục, không có ý nghĩa nhân văn cần sớm phải loại bỏ trong môi trường giáo dục.

Vấn đề đặt ra lúc này, nhiều năm qua toàn ngành giáo dục đã vận động thầy cô đổi mới giáo dục trong đó có đổi mới phương pháp, cách tiếp cận trong giáo dục tuy nhiên vẫn còn nhiều giáo viên không chịu thay đổi.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, những thầy cô như thế này là những người không có đạo đức nghề nghiệp, không có kiến thức về tâm lý giáo dục, làm bừa và xem cái tôi của mình lớn nhất, lấn át tất cả.

Với những giáo viên đã không có ý thức tiến thân nghề nghiệp, không vì sự nghiệp giáo dục mà chỉ thỏa mãn mong muốn cá nhân, bất chấp tổn thương học sinh cần thiết phải xem lại mình, các vị thử đặt nếu con cái của các vị bị đối xử như vậy liệu có chịu được không.

Cũng theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, những người này nếu không chịu thay đổi thì ngành giáo dục cũng nên tìm cách loại trừ ra khỏi ngành vì nó phản giáo dục.

Hiện đã có rất nhiều quy định cấm giáo viên bạo hành học sinh nhưng nếu giáo viên đã vi phạm thì cần xử lý.

“Phải làm quyết liệt, chứ không để một vài người như vậy thành bệnh gia truyền mãi. Cần thiết phải tăng hình phạt đối với các hành vi trên” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

Liên quan đến dạy học sinh cá biệt, học sinh lười học, theo chuyên gia này nếu giáo viên không có nghiệp vụ, không thân yêu, không trân trọng học sinh thì sẽ không có kết quả.

Dạy học sinh cá biệt có phương pháp, có cách uốn nắn, tỉ mĩ chứ lấy quát tháo, xử phạt để giáo dục là không đúng.

Giáo viên thích làm cách nhanh nhất là xử phạt, thay bố mẹ chửi mắng học trò, đó là cách đơn giản nhanh nhất, họ nghĩ thế là được tuy nhiên điều đó là phản giáo dục.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-tiep-thay-co-mat-sat-chui-boi-hanh-ha-hoc-sinh-dung-de-thanh-benh-di-truyen-mai-post191279.html