Liên tiếp thu giữ hàng nghìn bánh trung thu nhập lậu, giá 'rẻ như cho'
Thời điểm Tết Trung thu cận kề, thị trường bánh trung thu tiêu thụ mạnh, chính vì vậy, một số cơ sở kinh doanh đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời. Nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng chức năng TP.Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.
Tràn lan bánh trung thu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội liên tục bắt giữ nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 7, cách Tết Trung thu hơn hai tháng, Đội QLTT số 24 phát hiện 5.100 bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài tại Hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn ở Xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức.
Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định. Được biết, số hàng hóa trên bà Nhàn mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Trong nửa đầu tháng 8, Đội QLTT số 24 tiếp tục thu giữ gần 15.000 bánh trung thu do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Đáng chú ý, sáng 15/8, khi bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Đội QLTT số 24 phát hiện tổng cộng 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất.
Song, trong quá trình kiểm tra, chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên.
Theo lời khai của chủ cơ sở, gần Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng, ước tính lô hàng trị giá khoảng 27 triệu đồng.
Đến sáng 16/8, tại khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội kiểm tra hành chính một người đàn ông đang tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh trung thu. Trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc.
Chủ số hàng là Trần Xuân Hoàn (sinh năm 1977 ở Bắc Ninh) khai nhận, mua lại số bánh trung thu trên của một người bạn chuyên đầu mối hàng hóa ở Lào Cai, không có hóa đơn chứng từ.
Đối tượng cho biết, sau khi mang về Hà Nội sẽ bán buôn cho các mối hàng, chứ không bán lẻ. Ước tính mỗi chiếc bánh trung thu được nhập vào với giá 2.300 đồng.
Siết chặt quản lý, giám sát nghiêm chất lượng bánh trung thu
Hiện trên thị trường đang rộ lên các loại bánh trung thu mini của Trung Quốc bán với giá siêu rẻ được bán tràn lan, với giá chỉ từ 2.000-5.000 đồng một cái hoặc chỉ vài chục nghìn đồng nếu mua theo cân. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại liên quan đến chất lượng của sản phẩm.
Thậm chí, một số người sản xuất bánh trung thu truyền thống lâu năm cho biết nếu mua nguyên liệu với giá cả và chất lượng tối thiểu mà vẫn bảo đảm độ ngon, an toàn thực phẩm thì cũng không thể bán với mức giá quá rẻ như vậy...
Căn cứ tình hình quản lý thị trường của ngành, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT phối hợp cùng chính quyền sở tại tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra bánh trung thu, kẹo, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu, nhân bánh trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu...
Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và sẽ chuyển hồ sơ vụ việc nghiêm trọng cho cơ quan chức năng truy tố theo luật định.
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2022. Hiện cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Nhiều quận, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với cơ sở kinh doanh bánh trung thu, phải bảo đảm vệ sinh quanh quầy hàng, việc nhập khẩu và công bố thực phẩm, bánh trung thu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.
Thận trọng khi mua bánh trung thu
Thời điểm này, khi Tết Trung thu đang đến gần, nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đã rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng…
Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Trong đó, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm hoặc bị hư hỏng, biến chất... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm qua hình thức online.