Liên tiếp thu giữ nhiều lô mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc
Chỉ trong thời gian ngắn, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã triệt phá nhiều vụ kinh doanh, chứa trữ mỹ phẩm lớn không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM và Công an Phường 2, quận Tân Bình tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giao nhận I.C.E (địa chỉ: 9A Sông Thương, Phường 2, Tân Bình) do ông Trần Văn Nam là Giám đốc.
Qua kiểm tra thực tế, tổ công tác phát hiện 3.482 đơn vị sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại, xuất xứ Hàn Quốc, chưa qua sử dụng, không có số công bố mỹ phẩm, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa trên 800 triệu đồng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà Trần Ngọc Thanh Tuyền, nhân viên quản lý, đại diện Công ty trên cho biết, toàn bộ số hàng hóa nêu trên là thuộc sở hữu của bà Tuyền, không phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM-DV Giao nhận I.C.E.
Hàng hóa do bà Tuyền mua trôi nổi trên thị trường, nên không có hóa đơn chứng từ. Hiện tại nơi ở của bà Tuyền đang bị ngập nước do thời tiết nên bà Tuyền mới vừa mang đến để nhờ ở trụ sở chính của Công ty TNHH TM-DV Giao nhận I.C.E nhưng chưa kịp thông báo cho giám đốc công ty biết. Bà Tuyền kinh doanh thời vụ, không có địa điểm kinh doanh cố định.
Cục Quản lý thị trường TP HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP HCM cũng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất căn nhà 5 tầng nằm ở số 2A Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM, phát hiện trên 13.000 sản phẩm mỹ phẩm OBAGI (một thương hiệu mỹ phẩm của Mỹ) với nhiều dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, lượng mỹ phẩm bị thu giữ gồm: Dung dịch tẩy da chết, kem trị mụn, kem phục hồi da, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, serum cấp nước dưỡng ẩm phục hồi da, kem dưỡng ẩm trắng da mờ nám, bộ peel thay da sinh học, kem chống nắng… mang thương hiệu Obagi và ZO.
Chủ cơ sở thừa nhận là chủ sở hữu của toàn bộ số mỹ phẩm “ngoại” này nhưng không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp do mua trôi nổi trên thị trường.