Liên tiếp tranh cổ động đoạt giải bị tố 'đạo' và 'nhái'. Vì sao nên nông nỗi này?
Tranh cổ động cứ thi là có chuyện, đã không còn là chuyện lạ giữa phố thị. Đặc biệt tại các cuộc thi, hầu hết các bức tranh gây hoang mang dư luận lại đến từ các tác phẩm đoạt giải với nghi án 'đạo' và 'nhái'
Tranh cổ động là một thể loại đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, tranh cổ động vẫn không mất đi vị trí độc tôn trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng bằng ngôn ngữ cổ động trực quan, sinh động.
Chỉ có điều, so với các thế hệ đi trước, các họa sĩ ngày nay sử dụng kỹ xảo đồ họa máy tính để hoàn thiện tác phẩm thay vì vẽ trực tiếp lên toan. Chính vì sự tiện lợi và mau lẹ này nên vẽ tranh cổ động không tốn nhiều thời gian và công sức như tranh cổ động vẽ tay trước đây.
Hơn thế, với sự trợ giúp của mạng internet kết nối mọi biên giới trong thế giới phẳng, việc tham khảo ý tưởng của các họa sĩ đi trước và sao chép nó cũng chỉ là một làn ranh mờ dành cho những người không đủ bản lĩnh.
Gần đây nhất, họa sĩ Dương Ngân Hải đã "đạo nhái" hai tác phẩm của hai họa sĩ Liên Xô và Ukraine, đem dự thi hai cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL tổ chức năm 2017 và 2020.
Bức tranh cổ động Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của họa sĩ Dương Ngân Hải được cho là tác phẩm "đạo nhái" lại một bức tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô.
Tiếp đó, bức tranh cổ động Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ này tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, cũng là một tác phẩm đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.
Trước đó, tại cuộc thi tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” do Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đăng cai tổ chức thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bức tranh được cho là “bản chính” của các tác phẩm đoạt giải trên.
Năm 2005, Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mưng 70 năm thành lập Đảng. Giải Nhất được trao cho bức tranh cổ động mang tên “Đảng là cuộc sống của tôi”, tác giả Nguyễn Trung Kiên.
Tuy nhiên, sau đó, nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long đã có đơn kiến nghị gửi Ban Tổ chức cuộc thi vì cho rằng, Nguyễn Trung Kiên đã “đạo” trắng trợn bức ảnh “Nụ hôn của gió” do anh chụp.
Bức ảnh này đã đoạt các giải thưởng: Huy chương Vàng tại Áo năm 1999, Giải A ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 1999 và được đem đi dự Triển lãm ảnh Việt Nam năm 2000 cùng một số triển lãm ở Singapore, Hong Kong, Pháp, Nhật Bản… Trước những bằng chứng rõ ràng do nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long cung cấp, Bộ VH-TT&DL đã thu hồi giải thưởng và toàn bộ tranh đã in ra.
Lý giải về việc các cuộc thi tranh cổ động thường bị “bắt nét” đặc biệt với các tác phẩm đoạt giải, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, giảng viên khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho rằng, các họa sĩ đã coi nhẹ các cuộc thi tranh cổ động. Họ coi đó là một thứ đơn giản, làm cho xong một cuộc vận động. Tranh có in ra cũng chỉ một thời gian ngắn là bỏ và cũng không ai mang đi triển lãm mãi. Do suy nghĩ này nên các họa sĩ đã lười suy nghĩ và mượn ý tưởng, hình ảnh của người khác rồi biến báo để dự thi.
Nhưng khi tác phẩm đoạt giải, được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, được nhiều người biết tới mới bị “tố” về mặt bản quyền. Câu chuyện này đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn sau mỗi cuộc thi tranh cổ động cũng chỉ do suy nghĩ chưa đúng của các họa sĩ.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), để khắc phục và đẩy lùi những hành vi vi phạm về quyền tác giả trong các cuộc thi tranh cổ động thời gian tới, cần có nhiều giải pháp. Yếu tố đầu tiên vẫn là vấn đề về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi nghệ sĩ, người tham gia cuộc thi. Các họa sĩ khi tham gia hoạt động sáng tác cần nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả; qua đó tôn vinh giá trị lao động chân chính và danh dự cá nhân của người tham gia hoạt động nghệ thuật.