Liên tiếp trẻ bị tai nạn thương tích: Khuyến cáo của chuyên gia
Chỉ trong vài ngày, liên tiếp các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích nguy hiểm đến tính mạng. Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế nguy cơ tai nạn thương tích với trẻ.
Trẻ bị tai nạn thương tích
Thanh thép đâm xuyên miệng bé 4 tuổi
Ngày 22/11, bác sĩ Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy thanh thép dài khoảng 20cm đâm xuyên và mắc kẹt trong khoang miệng cho bệnh nhi V.D.A. (4 tuổi, ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn).
Trước đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp cứu trong tình trạng chảy máu nhiều do thanh thép đâm xuyên miệng.
Người nhà bệnh nhi cho biết, ngày 20/11, bé A có cầm cán ô che nắng. Trong lúc vui đùa, chạy nhảy không may bị thanh thép của ô dài khoảng 20cm đâm vào khoang miệng. Ngay lập tức, gia đình sơ cứu rồi đưa bé đến trung tâm cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Ngoại liên chuyên khoa (Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn), cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ thăm khám phát hiện dị vật bị kẹt cứng. Ngoài ra, vùng khoang miệng có nhiều mạch máu, nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cao nên chỉ định phẫu thuật. Kíp mổ đã tiến hành cố định miệng, dùng dao mở rộng vết thương để lấy thanh thép ra và khâu lại vết thương.
Sau hơn 1 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, tiếp tục đuuợc bác sĩ theo dõi, chờ ngày xuất viện.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng tiếp nhận và xử trí cho bệnh nhi T.M.K. (2 tuổi, trú xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nuốt phải mặt sợi dậy chuyền.
Gia đình cho biết, trước đó khi chơi đùa bé K. đã không may nuốt mặt dây chuyền. Gia đình theo dõi bé tại nhà với hy vọng dị vật sẽ ra ngoài qua đường thải, nhưng hơn 1 tuần vẫn không có kết quả nên đã đưa cháu vào bệnh viện.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã thăm khám, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và phát hiện dị vật nằm ở trong dạ dày của bé K.
Thanh sắt dài 20cm đâm xuyên qua miệng bé được bác sĩ lấy ra thành công
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành các thủ thuật gắp thành công dị vật là mặt dây chuyền hình tượng phật, nằm trong lớp nhựa trong suốt, trơn bóng, hình oval, có kích thước 2x3,5cm.
Sau khi nội soi gắp thành công dị vật ra ngoài, sức khỏe bé K. trở lại bình thường và đã được làm thủ tục cho xuất viện về nhà.
Phòng tránh tai nạn thương tích như thế nào?
Theo các chuyên gia, tai nạn thương tích là một sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn do một tác nhân bên ngoài gây nên các tổn thương, thương tích cho cơ thể về thể chất hay tâm hồn của nạn nhân.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích. Trong đó, 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái.
PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ do các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Những năm qua, một số nguy cơ tai nạn thương tích như ngã, bỏng, tai nạn giao thông… có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và về tình thần. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
Để phòng tránh tan nạn thương tích cho trẻ, trước tiên phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu tai nạn thương tích là khó tránh khỏi trong cuộc sống, điều quan trọng là biết cách xử lý ra sao. Trẻ cần phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm; biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như: cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu. Ngoài ra, trẻ cần biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn. Trường hợp phát hiện có trẻ bị tai nạn thương tịch, người dân cần sơ cứu rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.