Liên tiếp trốn khỏi trại giam, phải chăng phạm nhân Triệu Quân Sự đã 'nhờn luật'?

Sau ít giờ bỏ trốn khỏi trại giam, phạm nhân Triệu Quân Sự đã bị bắt tại xã Yên Dương (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vào lúc 15h ngày 1/6.

Tối 31/5, Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo, về việc phạm nhân Triệu Quân Sự (SN 1991, ở xã Phú Cường, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã trốn khỏi nơi giam giữ vào lúc 19h 15’ cùng ngày. Được biết, Sự đang chấp hành hình phạt tù "Chung thân" tại trại tạm giam thuộc Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc Phòng (xã Thành Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).

Sự từng là quân nhân, trong thời gian tại ngũ, đối tượng thường xuyên trộm cắp và đào ngũ khi là binh nhì. Năm 2012, Sự sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên phạt Sự tù "Chung thân" về các tội "Giết người"; "Cướp tài sản" và "Đào ngũ".

Trước đó, Triệu Quân Sự đã từng vượt ngục và bị bắt trở lại. Đáng chú ý là vụ vượt ngục vào chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân Khu 5 (đóng tại Quảng Ngãi), Triệu Quân Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sự bị bắt sau 15 ngày lẩn trốn, khi đang ở một quán trò chơi điện tử tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quãng Ngãi.

Đối tượng Sự bị bắt giữ (ảnh TL)

Đối tượng Sự bị bắt giữ (ảnh TL)

Chia sẻ về sự việc này, Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, Triệu Quân Sự đã trở nên "nổi tiếng" khi đã lập được "kỷ lục" khi nhiều lần vượt ngục thành công, đồng thời cũng bị bắt trở lại một cách nhanh chóng.

Câu chuyện của Triệu Quân Sự cho thấy việc quản lý trại phạm nhân ở một số đơn vị còn nhiều sơ suất, thiếu sót, thậm chí có thể còn là thiếu trách nhiệm dẫn đến việc phạm nhân bỏ trốn. Đồng thời, sự việc 4 lần trốn khỏi nơi giam giữ cũng cho thấy biệt tài của phạm nhân này trong việc đào tẩu.

Trước tiên, có thể khẳng định rằng, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định của pháp luật Việt Nam là vi phạm pháp luật. Người trốn khỏi nơi giam giữ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn khỏi nơi giam giữ" theo Điều 386 (BLHS 2015).

"Bên cạnh đó, để xảy ra hành vi trốn khỏi nơi giam giữ có một phần trách nhiệm của đơn vị quản lý, giam giữ. Do vậy, ngoài việc xem xét xử lý hình sự đối với người trốn khỏi nơi giam giữ thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ, của cơ quan tổ chức để xảy ra sự việc.

Với cán bộ trực tiếp quản lý có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xem xét trách nhiệm của người bỏ trốn và trách nhiệm của đơn vị quản lý để xử lý theo quy định của pháp luật", Ts.Ls Cường chia sẻ.

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, nếu đối tượng không cố gắng cải tạo tốt thì sẽ rất khó được hưởng khoan hồng của pháp luật

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, nếu đối tượng không cố gắng cải tạo tốt thì sẽ rất khó được hưởng khoan hồng của pháp luật

Cũng theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, thông thường, những đối tượng trốn trại thì sẽ không có phương tiện đi lại, không có tiền, không có đồ ăn nên thường sẽ kéo theo hành vi là trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt hoặc cướp tài sản trong quá trình bỏ trốn. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trong quá trình bỏ trốn, đối tượng này có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác không. Trong trường hợp có hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo Điều 173 (BLHS 2015).

Có nhiều lý do khiến đối tượng này bỏ trốn trong đó có thể kể đến là sự lơi lỏng trong công tác quản lý và những suy nghĩ tiêu cực, dị thường của đối tượng này so với các phạm nhân khác. Đối tượng không ăn năn sám hối về hành vi của mình, không tích cực cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà lại có những hành vi có biểu hiện tâm lý bất thường.

Việc đối tượng mê game, thái độ cười cợt khi bắt giữ cho thấy tâm lý của đối tượng này là không ổn định. Nếu trong quá trình điều tra truy tố xét xử, cơ quan điều tra cho thấy có dấu hiệu bệnh lý tâm thần thì có thể tiến hành trưng cầu giám định để xem xét trách nhiệm pháp lý. Trường hợp đối tượng mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức thì đây có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.

Ngoài ra, có lẽ việc đối tượng này trốn trại cũng xuất phát từ nhận thức về quy định pháp luật liên quan đến tổng hợp hình phạt. Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ chỉ có hình phạt tù có thời hạn, trong khi đó đối tượng đang chấp hành hình phạt chung của nhiều tội danh trước đó là tù chung thân nên khi tổng hợp hình phạt hình phạt cao nhất vẫn chỉ là tù chung thân, không thay đổi so với mức hình phạt trước đây.

Bởi vậy dù trường hợp đối tượng phạm bao nhiêu tội chăng nữa trốn khỏi nơi giam giữ bao nhiêu lần chăng nữa, trộm cắp bao nhiêu tài sản chăng nữa khi bị bắt giữ, bị xét xử thì hình phạt chỉ là tù có thời hạn hoặc tù chung thân. Khi tổng hợp hình phạt thì hình phạt chung theo quy định của pháp luật vẫn là tù chung thân. Có lẽ nắm bắt được quy định này nên đối tượng tỏ ra coi thường pháp luật phải chấp nhận hậu quả pháp lý xấu nhất có thể xảy ra khi bị bắt giữ.

Chỉ có một điều đáng lưu ý là do đối tượng này không chịu cải tạo, coi thường pháp luật nên không được xem xét đặc xá giảm án. Theo quy định của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân vẫn có thể được chuyển thành tù có thời hạn là 30 năm, rồi sẽ tiếp tục được giảm nếu như chấp hành tốt trong quá trình cải tạo và có thể được đặc xá, tha tù trước thời hạn nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành hình phạt không dưới 20 năm tù.

Đối với những phạm nhân thường xuyên trốn trại, thường xuyên vi phạm thì rất khó có cơ hội để trở về. Nếu trong thời gian tới đây đối tượng nhận thức được sai phạm của mình cố gắng chấp hành thì phải mất một khoảng thời gian rất dài nữa mới có cơ hội được khoan hồng chuyển từ án chung thân sang tù có thời hạn là 30 năm.

"Sự việc này cũng cho thấy việc quản lý nơi giam giữ, thi hành án hình sự còn có những sơ hở nơi lỏng, bởi vậy cơ quan chức năng cần phải tích cực tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, các phương tiện kĩ thuật và trách nhiệm để tránh vụ việc tương tự có thể xảy ra", Ts. Ls Đặng Văn Cường phân tích.

Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tron-khoi-trai-giam-lien-tiep-phai-chang-pham-nhan-trieu-quan-su-da-nhon-luat-172220601200924237.htm