Liên tiếp trúng thầu, vì sao lợi nhuận FECON 'đi lùi' 77%?

Ba tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của FECON ở mức 635 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lãi lên tới 2,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm 77,4%

Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu 611 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn bán hàng của công ty đạt hơn 514,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận gộp của FECON hiện ở mức 96,8 tỷ đồng, giảm 21,3 %. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp đều tăng lần lượt là 588,26 triệu đồng và 3,56 tỷ đồng tương ứng mức tăng 12,72% và 7,7% so với cùng kỳ.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, FECON ghi nhận khoản lãi hơn 635 tỷ đồng, giảm 77,4 so với quý I/2023.

Bên cạnh yếu tố chi phí tăng cao, FECON cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận "đi lùi" là do tình hình cạnh tranh của thị trường. Trên cơ sở đó, công ty đã ưu tiên lựa chọn các dự án có nguồn dòng tiền đảm bảo, giá thấp hơn và điều này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Quý I/2024, FECON đã trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Quý I/2024, FECON đã trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của FECON đạt 8.472 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho ở mức 1,678 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của FCN sụt giảm mạnh 44,5%, chủ yếu do doanh nghiệp rút về hơn 312 tỷ đồng tiền gửi từ Ngân hàng.

Cuối kỳ, nợ phải trả của FCN là 5.108 tỷ đồng (gấp hơn 1,5 lần vốn chủ sở hữu), chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.916 tỷ đồng).

Liên tiếp trúng thầu

Về tình hình xây dựng, từ đầu năm đến nay, FECON đã trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị các hợp đồng đang triển khai trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng.

Các hợp đồng mới tiêu biểu của FCN gồm: Gói thầu "Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng" thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với HATECO (781 tỷ đồng); gói "Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình" của Tập đoàn Thái Bình Dương (200 tỷ đồng); gói thầu "Thi công hạ tầng thuộc dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại" tại Bình Dương (180 tỷ đồng); gói "Thi công cầu cảng Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu" với Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm Sản và Phân Bón Bà Rịa (100 tỷ đồng)…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Việc FECON và các doanh nghiệp xây dựng trúng thầu nhiều nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm là không quá ngạc nhiên. Về bản chất, doanh nghiệp càng nhận nhiều gói thầu, họ càng phải đi vay nhiều để triển khai dự án. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí lãi vay lớn và đầu ra bất động sản yếu".

Vì vậy, không chỉ riêng FECON, nhiều công ty khác trong ngành cũng đang tập trung lựa chọn các dự án có dòng tiền ổn định, thanh khoản cao, kể cả giá thấp.

"Đặc biệt, đối với câu chuyện của FECON, chúng ta cần phải nhắc đến các dự án đầu tư công. Mặc dù giá trị triển khai lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại không cao. FCN sẽ không thể đặt nặng yếu tố lợi nhuận, mà ưu tiên duy trì việc làm, tình hình hoạt động của doanh nghiệp".

Ông Minh cũng nhấn mạnh rằng, việc lựa chọn các gói thầu giá thấp của FECON chỉ là xu hướng nhất thời. Công ty xây dựng đang trong trạng thái phòng thủ nhằm chờ đợi thanh khoản thị trường trở lại, pháp lý khai thông. Đến lúc đó, các doanh nghiệp này sẽ thực sự đẩy mạnh hoạt động, "bắt tay" với các chủ đầu tư để triển khai dự án lớn, và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Kỳ vọng doanh thu đạt kỷ lục

Trong ĐHĐCĐ thường niên, Công ty Cổ phần FECON đã công bố mục tiêu năm 2024 với doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến năm nay tối đa không quá 5% bằng tiền mặt.

Đánh giá về tính khả thi của kế hoạch năm, lãnh đạo FECON cho biết, cơ sở để hoàn thành kế hoạch dựa trên các dự án bản lề có quy mô lớn đã được ký kết trong nửa cuối năm 2023 như: Gói thầu Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, 6 khu bến Cảng Lạch Huyện trị giá 781 tỷ đồng; gói thầu tại Dự án đầu tư Khu bến Phoenix - Cảng Vũng Áng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng và các gói thầu liên quan đến dự án hạ tầng (như VSIP Cần Thơ)…

Đồng thời, kế hoạch kinh doanh năm nay còn được căn cứ vào xác suất trúng thầu của khoảng 80 dự án thi công trong danh mục đang phát triển mới hoặc chờ kết quả đấu thầu.

FECON kỳ vọng hoạt động đầu tư về khu công nghiệp, khu đô thị sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn.

FECON kỳ vọng hoạt động đầu tư về khu công nghiệp, khu đô thị sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON chia sẻ rằng, các hợp đồng xây dựng đều ký vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Biên lợi nhuận của các hợp đồng rất thấp so với trước đây. Để cạnh tranh tại gói thầu thì giá chào thầu rất thấp. Mặc dù vậy, các dự án này sẽ là nguồn công việc bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo ông Khoa, nếu tình hình vẫn cạnh tranh gay gắt như 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp xây dựng hầu như đạt lợi nhuận cực kỳ thấp. Vì vậy, FECON kỳ vọng hoạt động đầu tư về khu công nghiệp, khu đô thị trong thời gian tới, sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn.

Cụ thể, FCN hiện triển khai đầu tư khu đô thị Square City tại TP Phổ Yên (tổng vốn 3.600 tỷ đồng, FECON sở hữu 100%). Dự án này đã phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công tháng 6/2024.

Dự án Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái (954 tỷ đồng, 51% sở hữu) cũng đã được chấp thuận nhà đầu tư và chủ trương, đang phê duyệt quy hoạch 1/500, dự kiến từ quý IV/2024 sẽ GPMB và bắt đầu cho thuê từ cuối 2025, hoàn thành bán hàng trong 2026.

Đặc biệt, FECON cũng đặt mục tiêu tập trung tái cấu trúc các khoản vay đầu tư tại Dự án Điện gió Quốc Vinh, Dự án BOT Phủ Lý và thoái vốn khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FCN hiện giao dịch ở giá 14.850 đồng/cp, vốn hóa 2.337 tỷ đồng. Mới đây, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ HD đã bỏ ra khoảng 147 tỷ đồng để mua 11 triệu cổ phiếu FCN, tăng mức sở hữu FECON lên 11,12% (17,5 triệu cp).

Đơn vị quản lý quỹ này trở thành cổ đông lớn thứ hai, sau Raito Kogyo (25,51%). Ngoài ra, FECON đang có 1 cổ đông lớn khác là Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (10,16%). Tổng sở hữu 3 cổ đông đạt gần 47% vốn FCN.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-trung-thau-vi-sao-loi-nhuan-fecon-di-lui-77-192240502163757622.htm