Liên tiếp VĐV gặp nạn trên đường chạy: Trách nhiệm thuộc về ai?
Sự cố về sức khỏe đe dọa tính mạng của các vận động viên gần đây phản ánh lỗ hổng về trách nhiệm của các bên tham gia ở những giải chạy phong trào.
Sự cố vận động viên P.B.M (sinh năm 1990, Thanh Hóa) - có tiền sử cao huyết áp - bị ngưng tim trên đường chạy Tay Ho Half Marathon 2024 phản ánh mặt trái của môn thể thao "quốc dân" đang nở rộ những năm gần đây.
Khác với các giải thể thao chuyên nghiệp, ở các cuộc thi đấu phong trào, tồn tại lỗ hổng lớn trong công tác kiểm tra, kiểm soát các tiêu chuẩn về sức khỏe của người tham gia.
Vận động viên ký cam kết, ban tổ chức vô can?
Sau sự cố của anh P.B.M, đại diện Ban tổ chức hỗ trợ một phần chi phí cho vận động viên gặp nạn khi điều trị. Các vận động viên dự giải được mua bảo hiểm rủi ro trên đường chạy.
“Vận động viên được ban tổ chức mua bảo hiểm và hỗ trợ y tế như vậy là giải đấu còn tốt và có trách nhiệm rồi. Một số giải tôi biết là không có bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, để đến trường hợp này thì mọi sự đã rồi”, anh Trần Hoài Nam - runner có tiếng trong cộng đồng chạy bộ phong trào tại Hải Phòng - chia sẻ.
Vế "tuy nhiên" trong câu nói của anh Nam phản ánh thực tế đang diễn ra ở các giải chạy phong trào. Ban tổ chức có thể tính toán đến các phương án xử lý khi VĐV gặp vấn đề về sức khỏe trên đường chạy. Tuy nhiên, đó là cách giải quyết sau khi sự cố xảy ra. Việc ngăn chặn hiểm họa vẫn là khoảng trắng.
Thông thường, khi các vận động viên quyết định mua bib để dự giải, họ phải ký vào bản cam kết miễn trừ trách nhiệm của ban tổ chức nếu sự cố về an toàn và sức khỏe diễn ra. Nói cách khác, người tham gia phải tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình.
Bản cam kết này có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý hay không?
Trả lời VTC News, một luật sư cho biết các bản cam kết như vậy có thể được coi là thỏa thuận dân sự. Giá trị pháp lý của loại văn bản này phụ thuộc vào nội dung được thể hiện trong đó có đúng quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, ký giấy không có nghĩa là ban tổ chức phó mặc chuyện sức khỏe cho vận động viên.
Trong trường hợp có căn cứ chứng minh rằng ban tổ chức không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia thì gia đình vận động viên gặp nạn có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường.
VĐV phong trào phải biết tự bảo vệ mình
Việc ban tổ chức sử dụng giấy tờ miễn trách nhiệm có thể nhằm hạn chế rủi ro đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm sức khỏe cho bản thân đối với người tham gia.
Rủi ro sức khỏe khi tham gia các giải đấu là điều khó tránh. Bởi vậy, để hạn chế tình trạng này nên có sự ý thức phối hợp từ hai phía.
Trả lời VTC News, luật sư khuyến cáo ban tổ chức các giải chạy bộ cần những quy định chặt chẽ hơn về mặt sức khỏe của những người tham dự, quy định kỹ hơn về năng lực của người tham gia. Điều lệ, quy định rõ ràng về vấn đề này sẽ là căn cứ pháp lý để giải quyết các sự cố. Khi đó, các bên tham gia tăng thêm ý thức về trách nhiệm.
Trong khi đó, chuyên gia y học thể thao khuyên người chạy bộ phong trào phải tính toán khả năng của bản thân. VĐV ở trình độ nào thì chỉ nên thi đấu theo trình độ đấy. Về phía người tham gia cũng nên ý thức được khả năng của bản thân và chọn lựa những phần thi phù hợp với sức khỏe của mình tránh để xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Trường hợp của anh P.B.M là bài học nhãn tiền. Đến khi chân chạy sinh năm 1990 nhập viện điều trị, tất cả mới biết rằng anh thậm chí còn bị cao huyết áp và phải sử dụng thuốc hỗ trợ. Với người có bệnh nền và các bệnh liên quan tim mạch, vận động cường độ như chạy cự ly 21km không phải lựa chọn phù hợp. Các giải đấu đều không đồng ý cho vận động viên tham gia nếu ở tình trạng như vậy.
Đến đây, cộng đồng chạy bộ hẳn sẽ giật mình khi nghĩ lại thực trạng ở nhiều giải chạy. Các vận động viên tham dự không phải nộp bất kỳ giấy khám sức khỏe hay chứng nhận nào cho thấy họ ở tình trạng phù hợp để chạy cự ly dài.
Nhiều giải đấu marathon hoặc 3 môn phối hợp phong trào trên thế giới cũng vậy. Môn thể thao tưởng như đơn giản này trở thành cuộc chơi mạo hiểm. Các vận động viên không phải chứng minh đủ điều kiện sức khỏe, đồng thời ký miễn trừ trách nhiệm cho ban tổ chức trước khi tham gia.
“Các vận động viên phải tự ý thức về tình trạng sức khỏe và thể lực của mình ở thời điểm tham dự giải đấu, điều này vô cùng quan trọng. Tất cả đều phải kí giấy miễn trừ trách nhiệm với ban tổ chức. Chính vận động viên phải có trách nhiệm với bản thân của mình”, một vận động viên 3 môn phối hợp nổi tiếng cho hay.
Lỗ hổng trách nhiệm
Theo tìm hiểu của VTC News, ngay sau sự cố tại Tay Ho Half Marathon, ban tổ chức một giải chạy lớn sắp diễn ra tại miền Trung lập tức thông tin đến các vận động viên. Họ đưa ra nhiều tư vấn về các bài tập, chế độ dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo thể lực. Đồng thời, đơn vị tổ chức tuyên bố sẽ thắt chặt vấn đề liên quan đến thông tin của vận động viên.
Trong giới chạy phong trào, việc mua bán, trao đổi áo bib dự giải không phải hiếm. Nhiều người vì bận việc đột xuất không thể tham gia, đành bán rẻ hoặc tặng áo bib của mình cho người khác. Tuy nhiên, việc thay đổi thông tin người chạy khi ngày khai mạc cận kề không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Do đó, không thiếu người sử dụng bib “không chính chủ” khi dự giải, dẫn đến sai lệch về thông tin. Nếu có sự cố xảy ra, hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp một vận động viên gặp nạn nhưng không được mua bảo hiểm, chưa kí miễn trừ trách nhiệm cho ban tổ chức. Khi ấy, ban tổ chức không thể không liên đới vì buông lỏng quản lý, nhưng phần sai lớn nhất vẫn là của người chạy.
Ở phương diện y tế, ban tổ chức các giải chạy lớn với khoảng 10.000 người tham gia liệu có chuẩn bị đủ nhân sự để đảm bảo việc chăm sóc y tế cho các vận động viên. Nếu không phải 1 mà là 10, 20 hay 30 vận động viên gặp vấn đề về sức khỏe, liệu ban tổ chức có thể xoay sở.
Từ góc độ của một runner và từng hỗ trợ các giải chạy, anh Trần Hoài Nam đánh giá: “Tôi khẳng định rằng đa phần các ban tổ chức giải có trách nhiệm với vận động viên. Họ đều mong giải đấu thành công, không sự cố để uy tín được nâng cao, thu hút thêm vận động viên. Nhưng sự cố xảy ra thì vận động viên bị ảnh hưởng nặng về sức khỏe, có khi là nguy hiểm đến tính mạng.
Lúc ấy, sự quan tâm của ban tổ chức cũng chỉ là chia sẻ, an ủi phần nào thôi. Hiện nay, tình trạng vận động viên chạy quá sức, tập luyện thiếu khoa học, chuẩn bị không tốt cho giải đấu xảy ra liên tục. Tôi từng lên tiếng nhắc nhở nhiều runner rằng nếu cứ chạy như vậy, khi có vấn đề gì thì người thiệt nhất vẫn là các bạn”.
Chuyện ban tổ chức được “miễn trừ trách nhiệm” là cam kết đúng theo pháp luật với các vận động viên. Nhưng ở tầm quản lý cao hơn của các đơn vị cấp phép, đơn vị chuyên môn, cần có những quy chuẩn chung, chuyên biệt cho các giải chạy.
Chạy bộ giờ đây là một trào lưu lớn của xã hội. Chạy bộ vừa giúp cá nhân nâng cao sức khỏe, vừa giúp các nhà tổ chức, địa phương đăng cai thúc đẩy kinh tế, du lịch. Nhưng nếu không có một hành lang pháp lý rõ ràng cùng bộ tiêu chuẩn chuyên môn, nguy cơ sự cố về sức khỏe và tính mạng VĐV sẽ ngày càng cao.