Liên tiếp xảy ra các điểm sạt lở bờ sông ở Bến Tre

Những ngày gần đây, do đang ở thời điểm mùa mưa và triều cường dâng cao, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân sống trong khu vực sạt lở.

Sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5m, ảnh hưởng đến 396 hộ dân.

Sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5m, ảnh hưởng đến 396 hộ dân.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở (2 vụ việc sạt lở tiếp diễn và 2 vụ việc phát sinh mới). Cụ thể, sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5 m, làm ảnh hưởng đến 396 hộ dân.

Khoảng 300 m đê bao kết hợp đường giao thông ở ấp Khánh Hội Tây (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Khoảng 300 m đê bao kết hợp đường giao thông ở ấp Khánh Hội Tây (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Sạt lở làm ảnh hưởng đến trục đường giao thông liên xã (đường ĐX.04, hiện tại đã cắt giao thông) và khoảng 300 m về phía cầu Khánh Hội đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Đây là tuyến đê bao và đường giao thông huyết mạch của cồn Khánh Hội, gồm 2 ấp Khánh Hội Đông, Khánh Hội Tây, với 1.200 hộ dân. Hiện UBND thị trấn Tiên Thủy tiến hành rào chắn 2 bên đầu bờ bao đoạn qua khu vực này, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm không cho các phương tiện lưu thông.

Khoảng 300m đê bao kết hợp đường giao thông ở ấp Khánh Hội Tây, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hiện có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Khoảng 300m đê bao kết hợp đường giao thông ở ấp Khánh Hội Tây, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hiện có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Ông Trần Ngọc Bé, người dân sống trong cho biết, sạt lở ở đây rất nguy hiểm, khu đông dân cư và gần trường học, đồng thời khiến việc đi lại của bà con khó khăn. Ông Bé kiến nghị ngành chức năng khẩn trương có biện pháp khắc phục sạt lở để bà con sống trong khu vực yên tâm.

Sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5m, ảnh hưởng đến 396 hộ dân.

Sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông (thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành) với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5m, ảnh hưởng đến 396 hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Thủy Nguyễn Thị Kim Huệ cho hay, trên địa bàn có 8 vị trí sạt lở; trong đó, có 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng. UBND thị trấn đã đề nghị nguồn vốn khẩn cấp của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre để gia cố sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành.

Ngoài khu vực trên, tại bờ sông Giao Hòa, ấp Hòa Hưng Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành cũng đã xảy ra sạt lở bờ sông chiều dài 130m (thuộc phạm vi Cống Âu thuyền An Hóa - dự án JICA3), ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 4 hộ dân, khoảng 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông (đường ĐH.30, hiện tại đã cắt giao thông), trụ điện, cáp viễn thông... và đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Bên cạnh đó, tại bờ sông Mỏ Cày, ấp Tân Phước, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, sạt lở làm ảnh hưởng đến nhà ở, công trình kè của 2 hộ dân. Tại khu vực cồn Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, sạt lở bờ bao dài 35m, sâu vào đất liền 15m. Theo ngành chức năng địa phương, các vụ sạt lở trên nguyên nhân là do lòng sông sâu, do nước chảy xiết, kết hợp với dòng chảy gây ra sạt lở.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã đến hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân dọn dẹp, di dời tài sản. Đồng thời, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Ngành chức năng tuyên truyền, cảnh báo người dân tránh để xảy ra tai nạn, cắt giao thông đối với các điểm sạt lở có ảnh hưởng đến đường đường giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trong khoảng 10 năm gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với 3 huyện ven biển.

Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nguyên nhân gây ra sạt lở là do đặc điểm địa hình của tỉnh Bến Tre có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài dẫn đến thường xuyên chịu ảnh hưởng sạt lở. Đáng chú ý, mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng...

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai các giải pháp để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển như tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Do đó, tỉnh từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân. Địa phương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Tin, ảnh: Công Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/lien-tiep-xay-ra-cac-diem-sat-lo-bo-song-o-ben-tre-20240826112725127.htm