Liên tục là F1 nhưng không mắc Covid-19, tại sao?

Chuyên gia lý giải vì sao một số người ăn, ngủ cùng F0 và liên tục là F1 nhưng không mắc Covid-19.

Dịch Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 6/3 ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm. Chủng Omicron đã xuất hiện tại 20/30 quận, huyện, thị xã của thành phố, dần thay thế chủng Delta.

Các chuyên gia dự báo thời gian tới, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Hiện nay, hơn 90% người mắc Covid-19 tại Hà Nội tự cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí trong nhiều gia đình, F0 còn nhiều hơn F1. Một số người cho hay, dù ăn, ngủ, sinh hoạt cùng F0, nhưng họ vẫn là F1 "bất tử" không xuất hiện triệu chứng, xét nghiệm âm tính. Đặc biệt hơn nữa, nhiều người còn liên tục là F1 vì tiếp xúc rất gần với các F0, vậy nhưng vẫn không mắc Covid-19.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những người cùng ăn, ngủ với F0 mà vẫn không mắc Covid-19 có thể nhờ hiệu quả của vaccine Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 100%, tiêm mũi 2 đạt 98,4% và mũi 3 là 37,4%.

"Một số người có hiệu quả bảo vệ đạt đến mức độ ngăn ngừa không bị lây nhiễm", bác sĩ Cấp nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Cấp, đặc điểm cơ địa riêng của từng người cũng giúp họ có khả năng lây nhiễm thấp hơn những người khác.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London (Anh) cho thấy, tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến việc bị lây nhiễm. Các chuyên gia phát hiện ra rằng, nồng độ cao của các tế bào T (tế bào miễn dịch) tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các loại virus corona khác ở người, có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu chỉ ra, các tế bào T này nhắm mục tiêu vào các protein bên trong của virus SARS-CoV-2, thay vì protein gai trên bề mặt của virus, để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm.

"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho đến nay rằng, các tế bào T chống lại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường đóng vai trò bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2", Giáo sư Ajit Lalvani, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Lực lượng quân y phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM hồi tháng 8/2021 (Ảnh: Viết Thanh)

Lực lượng quân y phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM hồi tháng 8/2021 (Ảnh: Viết Thanh)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng người bệnh Covid-19, những người thân trong gia đình tốt nhất ở và sinh hoạt (tắm giặt, ăn uống) phòng riêng biệt. Dù là F0 hay F1, các thành viên đều tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên theo dõi sức khỏe bản thân.

"Mọi người nên hạn chế nói chuyện, có thể gọi điện hoặc nhắn tin. Đặc biệt các vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa,... cần tránh tiếp xúc", ông Nga nói.

Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh, thì cả F0 và F1 phải có ý thức. Nếu giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng thì nguy cơ lây lan không lớn. Mỗi người sau khi sử dụng xong thì nên cọ rửa, dội nước xà phòng, tẩy rửa thì mới đảm bảo an toàn. Người dùng khi đi vệ sinh cần đậy nắp lại mới dội nước để tránh chất thải bắn ra ngoài.

Các thành viên không nên ho, khạc nhổ bừa bãi để tránh virus lây lan. Chú ý vệ sinh thường xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng khuyến cáo cách để tự phòng và chống nhiễm Covid-19.

1. Rửa tay đúng cách với xà phòng thông thường trước và sau ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi đi từ chỗ đông người về, sau khi chạm tay vào những chỗ như nút bấm thang máy, ATM, tay nắm cửa... Hạn chế tối đa việc đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.

2. - Ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.

- Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) ngày 4-5 lần.

- Uống đủ nước, tốt nhất nên mang theo bình nước cá nhân, có thể thêm chút muối hoặc chanh hoặc bất cứ loại quả nào bạn thấy thích.

3. - Quần áo bẩn nên giặt ngay, tránh để lâu trong phòng, nếu có máy sấy thì sấy khô ngay. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa mỗi khi có thể để không khí trong nhà thông thoáng.

- Nên xông phòng các loại tinh dầu tràm, quế, chanh bạc hà...

- Cân nhắc việc dùng đèn cực tím để sát trùng đồ đạc cá nhân (tuyệt đối không để tia cực tím tiếp xúc với cơ thể người).

4. Sử dụng găng tay và kính

- Xem xét việc sử dụng găng tay/kính mỗi khi đi ra ngoài, đặc biệt khi phải tới những nơi có nguy cơ cao.

- Đeo găng tay, kính là cách phòng chống rất hiệu quả, tuy nhiên việc sử dụng còn khá bất cập trong cuộc sống thường ngày.

6. Đeo khẩu trang

- Thực hiện đúng hướng dẫn đeo khẩu trang y tế của Bộ Y tế.

- Đeo liên tục nếu có các triệu chứng giống cảm lạnh. Nên đeo khi đi thang máy, xe bus,... khi đến các chỗ đông người.

- Cân nhắc việc sử dụng khẩu trang vải nếu nguy cơ thấp.

Lưu ý: tác dụng của khẩu trang ngoài việc ngăn mầm bệnh, còn giúp hạn chế việc đưa tay lên chạm vào mũi, vào miệng rất nhiều.

7. Súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn họng trước khi ra khỏi nhà và sau khi về nhà. Nếu được, có thể mang theo dung dịch sát khuẩn họng để súc khi thấy có nguy cơ lây nhiễm.

8. - Hạn chế stress, suy nghĩ tích cực, lạc quan.

- Ngủ đủ giấc.

- Thể dục thường xuyên.

- Sự thoải mái về mặt tinh thần là yếu tố rất quan trọng để chống lại Covid-19.

Minh Nhân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lien-tuc-la-f1-nhung-khong-mac-covid-19-tai-sao-2202273154029813.htm