Liên tục nhận đòn Kinzhal, nghị sĩ Mỹ tố Nga trộm công nghệ siêu thanh

Washington tố Moscow ăn trộm công nghệ vũ khí siêu thanh… trên giấy của mình, trong khi tên lửa Kinzhal, Zircon của Nga đã đi vào thực chiến từ lâu.

Mỹ vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh, nhưng các đối thủ tiềm tàng của Washington phải chịu trách nhiệm về điều này.

Ý kiến này được người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thường trực Hạ viện Mỹ Mike Turner bày tỏ tại cuộc họp với các thành viên của Dự án về các vấn đề hạt nhân (PONI).

Nghị sĩ tin rằng cách đây một thời gian, người Mỹ đã đạt được một số kết quả trong lĩnh vực này và đi trước các nước khác một khoảng cách đáng kể thậm chí là vài thập kỷ, nhưng công nghệ hàng đầu thế giới đã bị đánh cắp và bây giờ Trung Quốc và Nga có chương trình siêu thanh của mình.

Thế nhưng một mâu thuẫn lớn cũng đã được thể hiện ngay trong thừa nhận sau đó của người đứng đầu Ủy ban Tình báo của hạ viện Mỹ, đó là ông này đã công nhận những thành tựu thực tiễn của Liên bang Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.

Nghị sĩ này nói rằng, những tiến bộ chậm chạp của các chương trình hiện đang phát triển không thể đưa Mỹ đến gần hơn với việc sở hữu vũ khí siêu thanh, điều mà Moscow và Bắc Kinh đều đã sở hữu, đồng nghĩa với việc Washington sẽ không thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này.

Hồi tuần trước, giám đốc điều hành ứng dụng công nghệ vận tải NATO là ông Kerstin Huber cũng đã thừa nhận là các quốc gia thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang tiến triển tương đối chậm trong việc chế tạo vũ khí siêu thanh và phải mất tới vài thập kỷ nữa NATO mới đạt được khả năng này.

Theo đánh giá của ông, Mỹ có thể cần tới 2 thập kỷ nữa để sở hữu vũ khí siêu thanh, trong khi Nga đã sớm biên chế tên lửa siêu thanh Kinzhal, Zircon hay đầu đạn lượn siêu thanh Avangard cách đây vài năm, còn Trung Quốc cũng đã có tên lửa siêu thanh DF-17 (Đông Phong 17).

Tuy nhiên, Nga sở hữu năng lực tấn công siêu thanh vượt trội cả Mỹ lẫn Trung Quốc, do nước này sở hữu hàng loạt loại tên lửa siêu thanh, được triển khai trên tất cả các phương tiện phóng, ví dụ như Iskander từ bệ phóng mặt đất, Kinzhal từ chiến đấu cơ, Zircon từ chiến hạm, còn Avangard gắn trên ICBM.

Trong thực tế Nga đã nhiều lần sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal phóng từ chiến đấu cơ MiG-31 để tấn công phá hủy các hệ thống tên lửa phòng không Patriot hay hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Có thể khẳng định rằng, vào thời điểm này Nga đã có khả năng tấn công siêu thanh vào tất cả thủ đô các nước NATO, trong khi phương Tây phải mất 2 thập kỷ nữa mới có thể làm được điều tương tự.

Nhật Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-tuc-nhan-don-kinzhal-nghi-si-my-to-nga-trom-cong-nghe-sieu-thanh-post688612.html