Liên tục thay đổi phương thức để không bỏ sót 'ma men'

Thời gian qua, việc các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tài xế điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn bằng nhiều biện pháp mới đã đem lại hiệu quả tích cực.

Việc liên tục thay đổi biện pháp xử lý sẽ khiến người vi phạm không thể tránh né cũng như thuận tiện hơn trong quá trình phát hiện xử lý.

Xử lý không vùng cấm

Thông tin từ cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây tại Hà Nội cho thấy, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023, toàn quốc đã xảy ra 8.333 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.763 người, bị thương 5.802 người, giảm 194 vụ (-2,28%), giảm 124 người chết (-2,54%), tăng 161 người bị thương (+2,85%), so với cùng kỳ năm 2022. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ, với 8.237 vụ, làm chết 4.695 người, bị thương 5.777 người, giảm 184 vụ (-2,19%), giảm 94 người chết (-1,96%), tăng 158 người bị thương (+2,81%) so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, nhờ nhiều biện pháp mạnh tay với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông.

Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại phố Quán Thánh. Ảnh: Hải Linh

Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại phố Quán Thánh. Ảnh: Hải Linh

Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Nguyên nhân tai nạn liên quan đến người sử dụng rượu bia gây nên giảm sâu là do việc thực hiện các kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” đã ban hành được thực hiện nghiêm túc. Trên đường phố Hà Nội không khó gì có thể bắt gặp hình ảnh những chốt của lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn. Không chỉ thế, việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không can thiệp, xin xỏ cũng đem lại những hiệu quả tích cực.

Nhiều biện pháp tuần tra mới được lực lượng chức năng áp dụng thường xuyên như: thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn giáp ranh. Khi phát hiện vi phạm xử lý nghiêm, không bỏ sót hành vi vi phạm. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối được xử lý theo quy định của pháp luật...

Trong quá trình thực hiện, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng tiến hành thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định. Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp là lãnh đạo địa phương, công an, công chức đã bị xử lý, gửi thông báo về cơ quan.

Anh Phạm Văn Dẫn, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Trước đây, thi thoảng tôi vẫn sử dụng rượu bia xong lái xe về nhà. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, cứ sử dụng rượu bia là tôi đi taxi về, vừa bảo đảm an toàn cho mình vừa cho cả những người khác khi tham gia giao thông”. Theo anh Phạm Văn Dẫn, việc thắt chặt, tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm đã đem lại những hiệu quả tích cực, làm thay đổi nhận thức cũng như nâng cao ý thức người dân.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Từ giờ đã xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được, tôi sẽ không chủ quan điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia. Mong rằng, việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nền nếp, tạo sự công bằng cho tất cả mọi người. Qua đó, người dân tham gia giao thông cũng được yên tâm, an toàn hơn".

Tiếp tục thắt chặt

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn giao thông trong 9 tháng năm 2023 còn những tồn tại, hạn chế như còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số người dân vẫn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép còn xảy ra tại một số địa phương...

Nhằm xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã lập 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn. Khung giờ được chú trọng xử lý là từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Ngay sau khi được thành lập, các tổ công tác chéo đã cho thấy hiệu quả. Ghi nhận ca công tác của Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xử lý chéo địa bàn tại đường Tố Hữu (Trung Văn, Nam Từ Liêm) vào đêm 22/9. Chỉ trong ít giờ ra quân, hàng loạt tài xế vi phạm về nồng độ cồn đã bị kiểm tra, xử lý.

Tổ công tác sẽ kiểm tra theo hình thức định tính và định lượng, nếu như tài xế kiểm tra định tính phát hiện có cồn thì mới phải xuống xe để kiểm tra định lượng. Trung bình mỗi xe kiểm tra mất khoảng 30 giây nên bảo đảm không để xảy ra ùn tắc giao thông hay phiền hà cho người dân.

Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9 cho biết, trong ca công tác đến 3 giờ sáng, tổ đã kiểm tra gần 500 lượt phương tiện ô tô, phát hiện 3 tài xế vi phạm. "Việc kiểm tra chéo địa bàn nói chung và tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vào khung giờ đêm muộn đến rạng sáng sẽ giúp xử lý triệt để vi phạm. Nếu như trước kia, một tổ, đội địa bàn chỉ có thể kiểm tra ở 1 địa điểm thì nay tổ kiểm tra chéo có thể di chuyển các địa điểm khác nhau khiến người vi phạm không thể né tránh" - Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương nhìn nhận, quy định của pháp luật rất rõ là tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng.

“Việc áp dụng nhiều biện pháp mới, quyết liệt vào xử lý vi phạm đã đem lại hiệu quả cao, tai nạn giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, “ma men” vẫn còn ngoài đường phố. Bởi vậy, việc thường xuyên thay đổi phương thức tuần tra, kiểm soát sẽ khiến người vi phạm không thể tránh né cũng như thuận tiện hơn trong quá trình phát hiện xử lý” - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Trong cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, diễn ra chiều ngày 19/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông vì thực tiễn cho thấy cứ "làm quyết liệt là chúng ta thắng".

Phạm Công - Huy Hoàng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lien-tuc-thay-doi-phuong-thuc-de-khong-bo-sot-ma-men.html