Liên Xô đã chấm dứt các dịch bệnh chết người như thế nào?

Mỗi khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, chính quyền Liên Xô tiến hành triệt để, không làm nửa vời. Trang rbth.com mới đây đã có bài viết cho thấy, cuộc chiến với dịch bệnh ở Liên Xô không chỉ có sự tham gia của lực lượng bác sĩ mà còn có cả cảnh sát, quân đội, thậm chí cả cơ quan tình báo.

Bệnh dịch hạch

Căn bệnh nguy hiểm này bắt nguồn từ nhà vi trùng học Abram Berlin ở thủ đô Moscow vào năm 1939. Trong khi tiến hành thí nghiệm trên động vật, ông Berlin đã sử dụng mầm sống của bệnh dịch hạch. Cũng vì thế, ông buộc phải tuân thủ kiểm dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do có cuộc gặp khẩn cấp ở Moscow nên ông đã tới thủ đô và đây cũng là nơi virus gây bệnh dịch hạch bị tán phát.

Tại Moscow, nhà khoa học Berlin ở tại khách sạn National, đến một nhà hàng và một tiệm cắt tóc. Tuy nhiên, sau đó, ông Berlin cảm thấy người mệt mỏi nên phải nhập viện nhưng được chẩn đoán sai là bị viêm phổi. Tuy nhiên, bác sĩ trực của phòng khám Viện Y tế Moscow số 1, ông Simon Gorelik lại cho rằng nhiều khả năng ông Berlin bị bệnh dịch hạch nên ngay lập tức báo cáo mối nguy hiểm này với lãnh đạo viện, đồng thời tự cách ly với Berlin. Bác sĩ Gorelik biết rằng, cả hai đều bị lên án bởi bệnh dịch hạch chưa thể được điều trị vào thời điểm đó.

Các nhân viên y tế sau đó đã tìm và cách ly tất cả những người đã tiếp xúc với Abram Berlin trong thành phố. Phòng khám của Viện Y tế Moscow số 1 cũng bị đóng cửa. Khách sạn National được khử trùng vào ban đêm để ngăn chặn rò rỉ thông tin và hoảng loạn. Do đó, bệnh dịch hạch đã được ngăn chặn trước khi lan rộng khắp thủ đô. Chỉ có ba người chết vì căn bệnh nguy hiểm này, gồm: Gorelik, Berlin và người thợ cắt tóc.

 Các nhà nghiên cứu Liên Xô làm xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh. Ảnh: Sputnik.

Các nhà nghiên cứu Liên Xô làm xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh. Ảnh: Sputnik.

Bệnh đậu mùa

Bệnh đậu mùa xuất hiện ở thủ đô Moscow vào tháng 12-1959, trùng thời điểm nghệ sĩ Liên Xô Alexei Kokorekin trở về từ Ấn Độ. Trong chuyến đi, nghệ sĩ 53 tuổi này đã tham dự một nghi lễ hỏa táng.

Khi xuống sân bay, ông Kokorekin có triệu chứng cảm lạnh nhẹ. Tuy nhiên, vào buổi tối cùng ngày, thân nhiệt của ông Kokorekin tăng vọt và có triệu chứng ho nặng, đau khắp mình mẩy. Ngày hôm sau, ông đi khám bác sĩ và được chẩn đoán mắc cúm. Tuy nhiên, loại thuốc mà nghệ sĩ Kokorekin được kê đơn không giúp ích được gì. Bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ khắp người, rồi lại được bác sĩ chẩn đoán là bị dị ứng. Ngày 29-12-1959, sau vài ngày nằm cùng phòng với nhiều bệnh nhân cúm khác, nghệ sĩ Alexei Kokorekin qua đời.

Tuy nhiên, cái chết của Kokorekin không phải đã kết thúc. Vào tuần thứ hai của năm mới, một số bệnh nhân khác trong bệnh viện cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự: Sốt, ho và phát ban. Không thể chần chừ thêm nữa, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu vaccine đã được mời đến. Và kết luận của họ là một cú sốc: Moscow đã bùng phát một ổ dịch đậu mùa.

Khi chẩn đoán được xác nhận, tất cả các cơ sở y tế, lực lượng cảnh sát và KGB ở Moscow được huy động để ngăn ngừa dịch bệnh. Lực lượng an ninh chịu trách nhiệm cách ly những người từng tiếp xúc với Kokorekin hoặc các thành viên trong gia đình ông, cũng như những người nhận được quà lưu niệm từ Ấn Độ. Bệnh viện nơi một người nhiễm bệnh cũng được cách ly. Tuy nhiên, biện pháp chính là tiêm phòng cho tất cả cư dân của vùng thủ đô Moscow và thành phố Moscow, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Làm việc suốt ngày đêm, các bác sĩ đã tiêm phòng cho hơn 9 triệu người chỉ sau một tuần.

Tổng cộng có 45 ca bị nhiễm bệnh đậu mùa ở Moscow, 3 người trong số đó đã chết. 19 ngày sau khi phát hiện, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan kiểm soát bệnh dịch, thành phố không còn ca nhiễm bệnh đậu mùa.

Dịch tả

Năm 1970, dịch tả xâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô từ Iran, sau đó lan tới khu vực bờ Biển Đen của Liên Xô. Dịch bệnh xảy ra vào lúc cao điểm của kỳ nghỉ lễ, khi các thành phố ven biển chật kín khách du lịch. Dần dần, căn bệnh này lan rộng khắp đất nước.

Việc để dịch bệnh lan nhanh là sai lầm của chính quyền địa phương. Khi dịch bệnh mới phát triển, chính quyền địa phương thông báo bằng loa trên bãi biển rằng, thành phố đang bị dịch bệnh tấn công, do đó mọi người vội vã rời đi.

Trước tình hình nguy cấp, chính quyền trung ương nhanh chóng vào cuộc. Hàng nghìn bác sĩ cùng với quân đội đã tham gia vào cuộc chiến chống sự lây lan của căn bệnh. Các ổ dịch lớn như Odessa, Batumi và Kerch nhanh chóng được khoanh vùng và phong tỏa. Nhiều tàu thủy và tàu hỏa được huy động làm phòng thí nghiệm di động.

Trong số hàng nghìn khách du lịch bị mắc kẹt tại các thành phố bị phong tỏa, nhiều người hoảng loạn thực sự. Họ cố gắng để trốn khỏi sự giám sát của lực lượng quân đội. Tình hình chỉ dịu xuống khi Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra lệnh gia hạn các chuyến công tác và ngày lễ nhưng bảo đảm tiền lương cho những người buộc phải ở lại khu vực cách ly.

Tháng 11-1970, dịch tả ở Liên Xô cuối cùng đã được loại bỏ. Từ cuộc khủng hoảng này, chính quyền đã rút ra bài học, từ đó cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước ở bờ Biển Đen trong lưu vực sông Volga và Urals.

Bệnh than

Dịch bệnh than ở Urals xảy ra vào tháng 4-1979 đến nay vẫn là bí ẩn nhất trong lịch sử Liên Xô. Theo nhiều nguồn khác nhau, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 60 đến 100 người.

Mỗi ngày, tại các bệnh viện ở thành phố Sverdlovsk (nay là Ekaterinbourg), có từ 5 đến 10 người bị sốc do nhiễm độc. Khi cơ quan chức năng phát hiện bệnh than là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều người, một cơ quan đặc biệt của thành phố được thành lập. Để chống dịch, nhà chức trách tiến hành tiêm phòng quy mô lớn cho người dân, đồng thời khử trùng toàn thành phố. Đến tháng 6 cùng năm, dịch bệnh đã chấm dứt.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/lien-xo-da-cham-dut-cac-dich-benh-chet-nguoi-nhu-the-nao-614327