Liên Xô giúp Việt Nam đào tạo cán bộ trên nhiều lĩnh vực

Ngay từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX, đã có 60 sinh viên đầu tiên của Việt Nam gửi sang học các trường Đại học Cộng sản lao động Phương Đông ở Liên Xô như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,...Sau này khi Liên Xô và Việt Nam Dân chủ cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30/01/1950), quá trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục trở nên có chiều sâu và đa dạng hơn. Năm 1951 đã bắt đầu có sinh viên sang Liên Xô học tập. Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư đề nghị với Liên Xô được đưa sinh viên Việt Nam sang học, hợp tác đào tạo được tiếp nối liên tục sau đó và hầu như trong tất cả các ngành khoa học, các lĩnh vực khác nhau.

Phi công, trung tướng Nguyễn Đức Soát, bắn rơi máy bay đầu tiên năm 23 tuổi, được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi 27 tuổi, bắn rơi 6 máy bay Mỹ mà không nhảy dù lần nào. Hành trình trở thành một phi công huyền thoại bắt đầu từ khi ông được học tập tại Liên Xô vào năm 1965. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục sang học tại Học viện Không quân Gagarin sau đó là Học viện Bộ Tổng tham mưu Voroshilov. Ông cũng từng là Tư lệnh Quân chủng Không quân, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Có được những bước trưởng thành ấy, ông luôn biết ơn các thầy cô giáo, đất nước và Quân đội nhân dân Liên Xô.

Theo nghiên cứu của các cựu chiến binh không quân, cho đến năm 1970, đã có khoảng 10 ngàn học viên Quân sự của Việt Nam học tập tại Liên Xô. Trong 10 năm từ 1965-1975, cũng có khoảng hơn 10 ngàn tướng lĩnh và binh sĩ, hạ sĩ quan Liên Xô đã sang Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực không quân, ngoài công tác đào tạo, viện trợ khoảng 360 máy bay, vũ khí khí tài, cán bộ và phi công Liên Xô đã sang giúp cải tiến vũ khí, trực tiếp giúp đỡ huấn luyện, bay thử, lắp ráp máy bay mới. Điều đặc biệt là tuy sự giúp đỡ của Liên Xô rất to lớn và về mọi mặt nhưng các phi công Việt Nam đã hoàn toàn được làm chủ về chiến thuật và quá trình chiến đấu.

Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản tại Khoa Triết học Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, ông đã có hơn 50 năm nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học trên khắp cả nước và có hàng trăm đầu sách, vài trăm bài báo trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Ông luôn cho rằng sự giúp đỡ của Liên Xô trong công tác đào tạo là vô cùng to lớn.

Theo các số liệu nghiên cứu của Nga, từ năm 1951 – 1991, trước khi Liên Xô sụp đổ, có khoảng 30.000 người Việt Nam được học đại học, trung cấp và trung cấp nghề tại Liên Xô. Khoảng 2.000 người đã bảo vệ luận án phó tiến sỹ và 200 luận án tiến sỹ. Trong 15 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có thêm 20.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học của Liên bang Nga.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Phan Xanh - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lien-xo-giup-viet-nam-dao-tao-can-bo-tren-nhieu-linh-vuc-226370.htm