LienVietPostBank: Cho vay nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Nhiều năm trở lại đây, quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) luôn ở mức cao.
Đầu tư nông nghiệp mắt xích thúc đẩy phục hồi kinh tế
Đây là kết quả của những nỗ lực mở rộng mạng lưới, thành lập và nâng cấp phòng giao dịch của LienVietPostBank, để đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân hơn. Nhờ đó, năm 2020, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của LienVietPostBank chiếm tỷ trọng 32% trong tổng dư nợ của ngân hàng, cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành.
“Cánh tay” nối dài của ngân hàng
Hiện nay, LienVietPostBank có 556 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng cùng 613 phòng giao dịch bưu điện trải đều hầu hết các huyện tại 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ số lượng điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn/tổng số lượng điểm giao dịch của ngân hàng đạt 77%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, mỗi chi nhánh, phòng giao dịch chính là “cánh tay” nối dài của LienVietPostBank để đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với người dân cả nước; giúp người dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. “Đây cũng là bước đi nhằm hiện thực hóa chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam” - ông Huy cho biết.
Cho vay nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu của LienVietPostBank
Bên cạnh các điểm giao dịch tới tận trung tâm các huyện, các xã trên cả nước, LienVietPostBank cũng chủ động “nối dài” cánh tay tín dụng của mình thông qua việc gắn kết chặt chẽ với các tổ liên kết vay vốn để giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn mà không phải tìm đến tín dụng đen.
Chị Huỳnh Thị Lành - Tổ trưởng Tổ liên kết vay vốn thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, từ ngày người dân tiếp nhận nguồn vốn vay của LienVietPostBank, thôn An Truyền đã giảm hẳn tình trạng vay nóng, tín dụng đen trà trộn trong làng, giúp người dân có nguồn vốn rẻ, an toàn để sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo LienVietPostBank, với lợi thế đặc biệt riêng có, ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng ở tận vùng sâu vùng xa, những nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. “Điều kiện đủ là ở nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, luôn sẵn sàng đi đến tận các xã, các huyện để phục vụ khách hàng. Chính sự tận tâm, thân thiện của các cán bộ nhân viên LienVietPostBank đã phá tan những ngần ngại ban đầu của bà con nông dân” - ông Huy cho biết.
Đồng hành cùng nông dân giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế
Để chủ động tiếp cận với từng nhóm đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, LienVietPostBank đã tổ chức các chuỗi hội thảo đến từng thôn, xóm, cán bộ ngân hàng chủ động hướng dẫn bà con cách làm hồ sơ, cách giải ngân, thu nợ… Cùng với đó là sự chủ động đưa ra các sản phẩm, dịch vụ một cách linh hoạt để phục vụ nhu cầu của khách hàng tùy theo đặc thù chăn nuôi, trồng trọt tại từng vùng miền.
Theo đó, bà con nông dân có thể vay vốn thế chấp bằng tài sản bảo đảm, hoặc vay tín chấp nếu gặp khó khăn liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản bảo đảm.
Đặc biệt, hình thức triển khai cho vay qua các tổ, hội như Hội phụ nữ, Hội Nông dân cấp cơ sở đã giúp LienVietPostBank giải quyết nhu cầu vay vốn của khách hàng, đồng thời quản trị được rủi ro trên cơ sở hợp tác chặt chẽ của các cấp hội. Nhờ đó, nhiều người dân có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn của LienVietPostBank để vươn lên làm kinh tế.
LienVietPostBank luôn đồng hành cùng nông dân giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế
Như trường hợp của chị Đỗ Thị Bình, tại đảo Bình Ba Tây, xã Cam Bình, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, từ số tiền vay 300 triệu ban đầu để đầu tư nuôi 10 lồng tôm hùm xanh, đến nay, sau 2 năm vay vốn từ LienVietPostBank, số lồng nuôi của gia đình đã lên tới 25 lồng với số lượng hơn 7.500 con. Hay doanh thu hàng năm từ việc nuôi tôm hùm xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan tại đảo Bình Hưng (xã Cam Bình) cũng lên tới vài tỷ đồng. Nếu trừ đi các loại chi phí, số lãi thu được cũng phải vài trăm triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị Loan đã có “của ăn, của để”, xây được nhà to và sắp tới là mua ô tô.
Đơn cử, như ở Ninh Thuận, dù điều kiện đất đai và khí hậu khắc nghiệt, nhưng đã có nhiều khách hàng “làm giàu trên sa mạc” nhờ chuyển đổi sang trồng cây măng tây. Hay ở Bình Thuận, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long, chăn nuôi bò giúp cải thiện đời sống, nâng cao kinh tế gia đình…
“Với định hướng đúng đắn, quyết liệt trong việc tập trung phát triển cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhiều năm qua, LienVietPostBank đã khẳng định vị thế của mình là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đi tiên phong và thành công ở lĩnh vực này. Ngân hàng đã trở thành đơn vị đồng hành giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng vốn hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế” - lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ./.