Liệt sĩ Trần Văn Thơ và những trang di bút cuối cùng
Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm tư liệu và kỷ vật của Trung tâm Tư liệu 'Trái tim người lính', Thiếu tá, Cựu chiến binh Trần Đức Văn, quê Thái Bình, hiện thường trú tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liên, TP. Hà Nội; vừa mang đến 2 di vật vô giá của người anh trai đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, để trao tặng cho 'Trái tim người lính'...
Thiếu tá Trần Đức Văn (em ruột của liệt sĩ Trần Văn Thơ) tâm sự: Tôi sinh 1952 tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều là nông dân nghèo khổ, lam lũ; vì làm nông nghiệp không đủ ăn, gia đình đã đi khai hoang làm muối, nhưng vẫn nuôi 7 người con khôn lớn.
Về Liệt sĩ Trần Văn Thơ (1946 – 1974) anh trai tôi: Sau khi học xong lớp 10, anh Thơ chưa muốn đi học đại học, mà ở nhà giúp gia đình bố mẹ, nuôi các em ăn học. Với nhiệt huyết tích cực xây dựng phong trào địa phương, anh đã đóng góp nhiều thành thích, nên khi nhập ngũ anh được giới thiệu Cảm tình Đảng.
Thiếu tá Trần Đức Văn còn cho biết: "Sinh thời, Liệt sĩ Trần Văn Thơ là người luôn yêu công việc, quan tâm với mọi người trong gia đình, với anh em bạn bè. Đặc biệt, anh Thơ hay viết Nhật ký. Từ khi còn ở nhà, anh đã để lại cuốn sổ tay viết những chuyện thường ngày. Và 7 năm trong chiến trường ác liệt, chắc chắn anh viết rất nhiều những gì anh đã trải qua! Chỉ tiếc là anh đã hy sinh, những di vật cũng theo anh mất cả… may tôi còn giữ được những trang lưu bút của anh viết cho tôi trên đường trường Sơn và một lá thư anh viết gửi về cho gia đình…".
Cụ ông Trần văn Thích (1916 - 1986) và cụ bà Phạm Thị Nhuận (1917 - 1996) là phụ mẫu của liệt sĩ Trần Văn Thơ, cũng là một trong những gia đình có nhiều hi sinh, cống hiến cho kháng chiến:
1- Liệt sĩ Trần Văn Thơ, con trai, sinh 1946, nhập ngũ năm 1967. Hy sinh ngày 30/5/1974;
2- Liệt sĩ Trần Văn Bài, con trai, sinh năm 1949, xung phong nhập ngũ năm 1966, hy sinh năm 1968 tại chiến trường B3 - Tây Nguyên;
3- Liệt sỹ Phạm Văn Toái, con rể (chồng của chị Trần Thị Cồn, sinh 1941) tái ngũ năm 1967, đã hy sinh nằm 1969. Sau bao năm chồng hi sinh, chị Cồn không đi bước vẫn ở vậy, thờ chồng và nuôi con.
Với những thành tích và cống hiến đặc biệt nêu trên, ngày 7 tháng 7 năm 2014, cụ Phạm Thị Nhuận đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng"!
Hà Nội, 22/6/2023
Trái Tim Người Lính