Liệu các thỏa thuận thương mại có thể đưa Mỹ trở lại các quy tắc?
Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Mexico-Canada đem đến hy vọng về khả năng các thỏa thuận sẽ đưa Mỹ trở lại quỹ đạo toàn cầu vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua, hướng tới một hệ thống quy tắc thương mại quốc tế.
Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) làm dấy lên hy vọng về khả năng các thỏa thuận sẽ đưa Mỹ trở lại quỹ đạo toàn cầu vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua, hướng tới một hệ thống quy tắc thương mại quốc tế.
Tác giả Hugo Perezcano Diaz, Phó Giám đốc luật quốc tế tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, người từng là nhà đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mexico, mới đây có bài phân tích đăng trên báo "Global and Mail", trong đó nhận định mặc dù các thỏa thuận thương mại có thể sẽ đưa Mỹ trở lại các quy tắc nhất định, song Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể ngừng triển khai các vũ khí thương mại.
Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - thay thế NAFTA - phần lớn đã được các nước đón nhận một cách nhiệt tình. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đó là "một thỏa thuận rất, rất tốt". Cựu Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nhấn mạnh các mối đe dọa thương mại của ông Trump đã được "tháo ngòi" nhờ thỏa thuận này.
Ông Jesus Seade, người được Tổng thống mới đắc cử khi đó là Manuel Lopez Obrador bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán NAFTA của Mexico, nói rằng thỏa thuận sẽ mang lại sự chắc chắn và ổn định cho hoạt động thương mại ở Bắc Mỹ.
USMCA làm dấy lên hy vọng về khả năng các thỏa thuận sẽ đưa Mỹ trở lại quỹ đạo toàn cầu vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua, hướng tới một hệ thống quy tắc thương mại quốc tế, và kiềm chế sự thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ. USMCA chỉ hiện đại hóa hoặc nâng cấp được rất ít nội dung trong NAFTA 25 tuổi.
Trên thực tế, USMCA đã "quay về lối cũ" trong các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như trong lĩnh vực ô tô, nơi quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Bắc Mỹ.
USMCA dẫn đến nhiều suy đoán về những ẩn ý liên quan đến chính sách thương mại của Tổng thống Trump. Mặc dù nhiều người bác bỏ việc thay đổi tên là vô thưởng vô phạt, nhưng không phải ngẫu nhiên mà chữ "tự do” bị loại khỏi tiêu đề của NAFTA phiên bản mới.
Nhưng quan trọng hơn là với những thỏa thuận phụ đính kèm USMCA, Mexico và Canada đã nhận ra rằng Mỹ có thể áp dụng thuế quan lên bất kỳ sản phẩm nào được nhập khẩu từ Mexico hoặc Canada vì lý do an ninh quốc gia. Mặc dù thỏa thuận cũng công nhận cả hai quốc gia có quyền trả đũa nếu Mỹ áp đặt mức thuế như vậy, nhưng những thỏa thuận phụ phản ánh rõ ràng một động thái theo hướng ngược lại với thương mại tự do.
Việc ký kết USMCA đã không thực sự giúp ích cho Canada hoặc Mexico. Phải một năm sau Mỹ mới xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm mà Mỹ đã áp đặt đối với hai nước này vào tháng 5/2018.
Và chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Mexico tuyên bố dỡ bỏ thuế quan đối với sản phẩm của nhau, Tổng thống Trump lại đe dọa sẽ đánh thuế không chỉ đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Mexico, mà trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu của Mexico, vì lý do không liên quan đến thương mại: hành động của Mexico hạn chế dòng người di cư ở biên giới phía Bắc. Điều này cho thấy, ông Trump dường như đang theo đuổi các mục tiêu trong chính sách nhập cư của mình để phục vụ cho mục đích chính trị khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang đến gần.
Mặc dù có nhiều ý kiến lạc quan về khả năng các thỏa thuận thương mại sẽ đưa Mỹ trở lại các quy tắc nhất định, nhưng có thể đây sẽ không phải là sự kết thúc của ông Trump trong việc triển khai các vũ khí thương mại. Mexico, Canada và phần còn lại của thế giới nên chú ý đến điều này./.