Liệu có 'Bất ngờ tháng 9' trong cuộc đua vào Nhà Trắng?

Chính trường Mỹ, vốn đang 'nóng' trong giai đoạn nước rút quan trọng của cuộc đua vào Nhà Trắng, lại càng trở nên 'sôi sục' hơn bao giờ hết với những tranh cãi gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xoay quanh thời điểm bổ nhiệm một thẩm phán mới của Tòa án Tối cao, thay thế vị trí của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời cuối tuần trước ở tuổi 87 vì ung thư tụy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Dayton, Ohio, ngày 21/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Dayton, Ohio, ngày 21/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa đang thúc đẩy bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao thay bà Ginsburg. Trong khi đó, đảng Dân chủ và ứng cử viên tổng thống của đảng này, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cho rằng việc đề cử thẩm phán mới cần phải đợi tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Giới phân tích chính trị cho rằng sự ra đi của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được ví là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng tại Mỹ, có thể sẽ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa án Tối cao Mỹ. Tại Mỹ, Tòa án Tối cao là tòa án liên bang cao nhất, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Mỹ, có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân Mỹ. Vì vậy, sự cân bằng ý thức hệ của tòa án này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các phán quyết về những vấn đề chủ chốt nhất trong luật pháp của Mỹ cũng như những vấn đề gây tranh cãi cao như nạo phá thai, quyền sử dụng súng, quyền của người đồng tính và chuyển giới hay chính sách nhập cư.

Tại Tòa án Tối cao Mỹ, Thẩm phán Ginsburg, cùng với 3 nhân vật nữa do các tổng thống Dân chủ bổ nhiệm, được coi là người có tư tưởng cấp tiến, trong khi 5 thẩm phán do các tổng thống Cộng hòa đề cử, theo đường lối bảo thủ. Khi cuộc đua để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng đang đến gần, việc bổ nhiệm người thay thế vị trí trên của bà Ginsburg không còn là vấn đề của hai ứng cử viên tổng thống nhằm giành thêm lá phiếu của các cử tri trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới, mà là cuộc cạnh tranh của hai đảng nhằm giành ưu thế hơn tại Tòa án Tối cao.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, điều thường thấy và dễ hiểu là càng tới gần ngày bầu cử thì thế đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ ngày càng gay cấn bởi các ứng cử viên phải tận dụng tối đa mọi lợi thế cũng như tung ra mọi “quân bài” nhằm mục tiêu cán đích thành công.

Cuộc bầu cử tổng thống năm nay cũng không phải là một ngoại lệ khi nó diễn ra trong bối cảnh bất bình thường với nhiều bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra. Bên cạnh đó, sự khác biệt rõ rệt trong chính sách và cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên, đương kim Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong một loạt vấn đề đối nội như kinh tế, môi trường, nhập cư, nạo phá thai... hay các vấn đề đối ngoại như Triều Tiên hay Iran, càng khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa hai đảng, khiến cuộc đua trở nên căng thẳng và được đánh giá là khó đoán định nhất từ trước tới nay.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đúng vào năm bầu cử khiến nhiều thành quả mà Tổng thống Donald Trump đạt được trong suốt 3 năm qua, đặc biệt về kinh tế, yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào, bỗng dưng “bốc hơi”. Cùng với đó là một loạt các cuộc khủng hoảng dồn dập xảy ra, phần nào khiến Tổng thống Trump gặp khó khăn trên chặng đua tới Nhà Trắng. Ông Trump luôn bị ứng cử viên Joe Biden dẫn điểm trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận.

Tuy nhiên, trong bầu cử Mỹ cũng có khả năng sẽ xảy ra “Bất ngờ tháng 9” hay “Bất ngờ tháng 10”, làm thay đổi cục diện tình hình cuộc bỏ phiếu tháng 11. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg có thể sẽ mang lại một cơ hội bất ngờ trong tháng 9, giúp Tổng thống Trump "lật lại thế cờ" khi chỉ còn hơn 40 ngày là diễn ra cuộc bầu cử Mỹ. Đây chính là lý do khiến bất cứ đề cử nào cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ trước cuộc bầu cử tháng 11 đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt của đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa đã bỏ qua một tiền lệ mà chính họ đặt ra vào năm 2016, rằng các ứng cử viên cho vị trí thẩm phán nên được người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lựa chọn. Đảng Dân chủ viện dẫn việc các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số tại thượng viện đã từ chối tổ chức phiên bỏ phiếu phê chuẩn, ngăn cản lựa chọn của Tổng thống Dân chủ Barack Obama cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao vào năm 2016. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump đẩy nhanh đề cử ứng cử viên thẩm phán cho Tòa án Tối cao là "lạm dụng quyền lực" và thúc giục các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trì hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua.

Bên cạnh đó, do tầm quan trọng của Tòa án Tối cao trong đời sống chính trị Mỹ, nên sự phản đối trên còn bắt nguồn từ ý thức của đảng Dân chủ về mối nguy hiểm khi cán cân quyền lực tại tòa án thay đổi.

Trong những năm gần đây, mọi đề cử liên quan tới Tòa án Tối cao đều trở nên gay cấn và phần lớn mang tính đảng phái, không giống như những thập niên trước khi nhiều ứng cử viên được bổ nhiệm do lợi ích lưỡng đảng. Tòa án Tối cao Mỹ luôn duy trì 8 vị thẩm phán và 1 chánh án tại vị và họ có nhiệm kỳ trọn đời, trừ khi họ quyết định nghỉ hưu, nên không phải tổng thống Mỹ nào cũng có cơ hội bổ nhiệm "người của mình".

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 20/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 20/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tòa án Tối cao Mỹ tái định hình dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là tòa án nghiêng về phe bảo thủ nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại. Với hai thẩm phán được Tổng thống Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên, gồm ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh, cán cân ý thức hệ của tòa có thể nói nghiêng về phe bảo thủ với số phiếu 5-4, và việc đề cử lần này để thay thế vị trí của bà Ginsburg, nếu được thông qua, sẽ làm cán cân giữa hai bên Cộng hòa/Dân chủ chuyển sang 6-3. Thế mất cân bằng này của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ diễn ra trong nhiều thập niên và có lợi cho Tổng thống Trump cũng như đảng Cộng hòa trong việc triển khai các chính sách và trong bầu cử sắp tới.

Việc quyết định bổ nhiệm người thay thế nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Ginsburg cũng tác động lớn tới cuộc chiến giữa hai ứng cử viên giành phiếu bầu của các cử tri là phụ nữ, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới quyền phá thai, vốn cũng là một đề tài trung tâm trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Đảng Cộng hòa ủng hộ quyền được sống của thai nhi và phản đối việc nạo phá thai, trong khi đảng Dân chủ theo xu hướng tự do cá nhân nên coi việc nạo phá thai là vấn đề lựa chọn của cá nhân. Đối với các phụ nữ theo xu hướng bảo thủ, đặc biệt là những người theo đạo Tin Lành, những người nghi ngờ về tính cách của ông Trump, tầm quan trọng của quyền được sống có thể là một yếu tố quan trọng. Nhóm đối tượng trên chiếm tỷ lệ lớn trong số cử tri nữ, vì vậy nếu ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào Tòa án Tối cao là một phụ nữ, Tổng thống Trump có thể giành lại được sự ủng hộ của nhóm này, nhất là nữ cử tri da trắng có trình độ đại học.

Bên cạnh đó, cuộc đua vào cơ quan lập pháp ở các tiểu bang cũng sẽ thay đổi và bị ảnh hưởng khi các ứng cử viên đảng Cộng hòa tại các bang sẽ có được sự hỗ trợ trong việc thúc đẩy các dự luật địa phương theo quan điểm bảo thủ hơn so với đối thủ Dân chủ, có thể kéo theo sự thay đổi cán cân thế đa số tại mỗi viện.

Trong trường hợp nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc đua sắp tới, nhưng đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát cả thượng viện và hạ viện, thì các chính sách mà vị tổng thống đảng Dân chủ ban hành sẽ phải đối mặt với tình trạng bị cả hai viện bác bỏ như đã xảy ra trước đây. Hiện có nhiều chính sách về đối nội và ngoại gặp bế tắc tại cả 2 viện, cần đến phán quyết của Tòa án Tối cao hoặc vai trò của Tòa án Tối cao như vụ luận tội, hoặc đảng Dân chủ sẽ không thể đi xa hơn ngoài chỉ trích về một số chính sách thương mại của chính quyền.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cái chết của nữ Thẩm phán Ginsburg, người đã nhiều năm hoạt động không biết mệt mỏi nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người thuộc giới tính thứ ba, sẽ là một lời kêu gọi tập hợp của các đảng viên Dân chủ đối với các cử tri nữ khi cảnh báo rằng những lợi ích của nhóm này "hiện đang bị đe dọa" và các lá phiếu của họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai sắp tới.

Như vậy, cũng giống như cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến trên 205.000 người Mỹ thiệt mạng cho tới nay, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái và căng thẳng sắc tộc khiến các cuộc biểu tình biến thành bạo động diễn ra trên khắp nước Mỹ, sự ra đi của nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg đang trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt không chỉ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mà còn gây chia rẽ nước Mỹ. Đây cũng được coi là một "lá bài tranh cử", có thể sẽ tạo thêm một yếu tố bất ổn mới cho cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ trong năm nay.

Đặng Huyền (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-co-bat-ngo-thang-9trong-cuoc-dua-vao-nha-trang-20200923163327998.htm