Liệu có nguy cơ đối đầu trực tiếp trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2023?
Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào các chính sách mà Triều Tiên có thể sắp công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 25/12 đưa tin, Triều Tiên đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị quan trọng của đảng cầm quyền trong tuần tới, để đánh giá lại các chính sách trong năm nay và thảo luận về các nhiệm vụ lớn trong năm 2023.
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiết lộ các chiến lược về mối quan hệ liên Triều và phản ứng của Bình Nhưỡng trước sự bế tắc nhiều năm của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Trong sự kiện Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8, dự kiến diễn ra tuấn tới, Triều Tiên có thể tiết lộ các định hướng chính sách đối ngoại chính của nước này và phát đi tín hiệu về kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân khác, cũng như các vụ phóng tên lửa tầm xa tiếp theo.
Cũng nhân hội nghị này, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có thể có bài phát biểu quan trọng thay cho bài phát biểu mừng Năm mới, thường được trình bày vào ngày đầu năm (1/1). Một cuộc duyệt binh lớn dự kiến cũng sẽ diễn ra sau hội nghị cũng đang được giới chức quốc phòng Mỹ - Hàn theo sát.
Cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang không ngừng trong hơn một năm qua, với những động thái quân sự “ ăn miếng, trả miếng” của cả Triều Tiên với Mỹ - Nhật – Hàn.
Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov nhận định, hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2023.
Theo ông, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào tình hình địa chính trị chung. Tình hình càng căng thẳng, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ càng gay gắt thì hành vi của Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ càng chủ động và quyết đoán hơn. Rất có khả năng thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến các vụ thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên, thậm chí không thể loại trừ các vụ thử hạt nhân trong năm tới.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, Triều Tiên sẽ hành động dựa trên thực tế là Nga và Trung Quốc sẽ ngăn cản Mỹ và các đồng minh thông qua bất kỳ biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, sử dụng các cơ chế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đã có các vụ thử tên lửa từ Triều Tiên, mặt khác Hàn Quốc đang hướng về Mỹ và các cuộc tập trận chung đã diễn ra với quy mô và tần suất lớn. Điều này nhiều khả năng sẽ gây tác động xấu đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, vì nó dẫn đến việc củng cố xu hướng lưỡng cực cứng nhắc.
Mỹ - Nhật – Hàn sẽ vẫn tiếp tục các hành động răn đe cứng rắn này như lời khẳng định mới đây của Đặc phái viên Mỹ Sung Kim: “Để giải quyết hiệu quả mối đe dọa từ Triều Tiên, sự phối hợp ngoại giao ba bên của chúng ta đã được bổ sung, bằng sự tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm cả các cuộc tập trận hải quân và tập trận tên lửa đạn đạo phòng thủ và tập trận trên không nhằm đáp trả vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên”.
Tuy nhiên, theo ông Andrey Kortunov, nguy cơ đối đầu trực tiếp trên bán đảo Triều Tiên vẫn có thể được phá vỡ nhờ sự ổn định nhất định trong quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc – hai quốc gia có vai trò quan trọng liên quan đến bán đảo./.