Liệu có thiếu điện trong cao điểm hè?

Mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc và toàn quốc đã lên rất cao.

Dự báo mùa hè này, hệ thống điện quốc gia đối mặt với nhiều áp lực trong việc vận hành, nhất là khi thời tiết nắng nóng khốc liệt, ít mưa, nhiều hồ thủy điện lượng nước về rất thấp. “Bằng mọi cách không để thiếu điện” là nhiệm vụ được Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị hiện nay.

Hồ thủy điện thiếu nước; than, khí khan hiếm

Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa hè nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống đã rất căng thẳng. Điển hình như ngày 6-5, công suất tiêu thụ toàn quốc lên tới hơn 43.300MW và sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh. Dự báo trong các tháng 6, 7, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dùng từ tình trạng khẩn cấp để nói về những khó khăn trong vận hành hệ thống, bảo đảm cung ứng điện giai đoạn tới. EVN nhấn mạnh, thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng.

EVN cảnh báo: Việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.

 Công nhân ngành điện kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Công nhân ngành điện kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ cụ thể về tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây, EVN cho biết có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Đến đầu tháng 5-2023, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023.

Cụ thể, có 10 hồ thủy điện thuộc EVN và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết; trong đó có các hồ thủy điện của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ. Điều này dẫn tới sản lượng còn lại trong hồ thủy điện của EVN là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tình hình nhiên liệu than, khí cũng không mấy khả quan. Tình hình cung cấp than sản xuất và pha trộn trong nước của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc dự kiến là 46 triệu tấn, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt là hơn 6 triệu tấn.

Việc nhập khẩu than cũng khó khăn trong khi nguồn huy động tăng nên bị thiếu than cho vận hành. Việc cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí cũng giảm so với những năm trước, do một số mỏ chính thức bước vào suy giảm. Cụ thể, sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ m3, trong khi một số mỏ liên tục xảy ra sự cố nên việc cấp khí cho sản xuất điện càng khó khăn.

Việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo hợp đồng mua điện Trung Quốc, dự kiến trong năm 2023 sẽ mua tổng sản lượng là 1,65 tỷ kWh. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, phía Trung Quốc thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện cho khu vực tỉnh Vân Nam, do đó, sản lượng dự kiến Việt Nam mua được của bạn năm 2023 chỉ đạt 1,1 tỷ kWh, bằng 68% kế hoạch.

Đối với Lào, EVN đã thống nhất với chủ đầu tư và trình Bộ Công Thương để trình Chính phủ chủ trương bán điện phục vụ việc thử nghiệm và khởi động cho các nhà máy điện trong cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô và Nậm Kông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thông qua.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023, làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, lưu lượng nước về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo.

Đối phó thế nào với thiếu điện?

Trước bối cảnh cấp bách trong cung ứng điện hiện nay, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TKV, Tổng công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp liên quan bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện. Bộ Công Thương sẽ xem xét xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Để đối phó với tình hình căng thẳng trong cung cấp điện, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, theo kế hoạch, năm 2023, EVN sẽ huy động tối ưu các nguồn thủy điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc, điều tiết nâng và giữ mực nước tại các hồ chứa bằng mực nước kế hoạch đến cuối tháng 5-2023 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải; phối hợp với các đơn vị cung cấp nhiên liệu trong nước có phương án cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện. EVN cũng sẽ dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; tăng cường đàm phán mua điện từ nước ngoài.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN sẽ tiếp tục đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời để vận hành cho đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức, nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện. Đề cập tới giải pháp lâu dài trong cung ứng điện tại miền Bắc, ông Trần Đình Nhân cho rằng, cần có cơ chế phát triển và bổ sung quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để bảo đảm cung ứng điện trong những năm tiếp theo. Có cơ chế khuyến khích ngay việc phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ...

Bảo đảm nguồn, than khí cho sản xuất điện là đề nghị của EVN đối với PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Đại diện các đơn vị này cũng đã cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho phát điện nhằm bảo đảm cung cấp điện cho đất nước.

Trước đó, tại cuộc làm việc với EVN, về phía Tổng công ty Đông Bắc, Đại tá Đỗ Mạnh Khảm, Tổng giám đốc nhấn mạnh, tổng công ty luôn ý thức được trách nhiệm bảo đảm than cho phát điện và đã chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện tối đa để cung ứng than cho phát điện. Tuy nhiên, Tổng công ty Đông Bắc cũng gặp nhiều khó khăn trong khai thác nên khó tăng sản lượng than. Về phía TKV, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc khẳng định, TKV sẽ nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ nguồn than cho sản xuất điện.

Bên cạnh các giải pháp về nguồn cung, việc tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả là giải pháp rất quan trọng để bảo đảm đủ điện trong các đợt cao điểm nắng nóng.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lieu-co-thieu-dien-trong-cao-diem-he-728348