Liệu con người có bị hết bộ nhớ?

Các nhà khoa học cho rằng, bộ não sẽ bị hết bộ nhớ nếu được nạp thêm lượng thông tin dữ liệu liên tục không ngừng.

Bộ não có thể chứa tối đa khoảng 2,5 petabytes dữ liệu

Bộ não có thể chứa tối đa khoảng 2,5 petabytes dữ liệu

Inverse đã đưa ra nhận định của các nhà khoa học cho rằng, bộ não sẽ bị hết bộ nhớ nếu được nạp thêm lượng thông tin dữ liệu liên tục không ngừng. Đó là chuyện dĩ nhiên phải xảy ra vì sức chứa của bộ não tuy rất lớn nhưng không phải là vô hạn. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi hiện tượng này sẽ xảy ra khi nào thì vẫn còn là một vấn đề hết sức phức tạp.

Não của chúng ta được tạo thành từ khoảng một tỷ tế bào thần kinh. Nhà tâm lý học Paul Reber tại trường Đại học Northwestern đã chỉ ra rằng, mỗi tế một bào thần kinh đều phải gánh vác một khối lượng công việc khá nặng và phức tạp chứ không phải giống như một công tắc đơn giản bật tắt truyền đi dữ liệu thần kinh như nhiều người vẫn tưởng. Một tế bào thần kinh thường sẽ liên kết đến 1.000 tế bào thần kinh khác.

Do đó, các nhà khoa học ước tính rằng tổng bộ nhớ của con người tương đương với khoảng 2,5 petabytes dữ liệu. Sau đây là bảng so sánh quy đổi để bạn có thể hình dung được bộ não có thể chứa được lượng dữ liệu lớn đến mức độ nào:

- 1 Bit = Binary Digit (số nhị phân)

- 8 Bit = 1 Byte

- 1000 Byte = 1 Kilobyte

- 1000 Kilobyte = 1 Megabyte

- 1000 Megabyte = 1 Gigabyte

- 1000 Gigabyte = 1 Terabyte

- 1000 Terabyte = 1 Petabyte

Theo một phép loại suy đơn giản, nếu như não bộ của bạn muốn lưu trữ một đoạn hình ảnh ký ức theo chuẩn HD dài khoảng 22 phút, thì nó sẽ tiêu tốn mất một khoảng trống là 500 megabyte. Vì thế, theo tính toán, não bộ của chúng ta chỉ chứa được tối đa tổng lượng kí ức kéo dài khoảng 200 năm. Đến thời điểm đó, nó sẽ bị đầy bộ nhớ. Tuy nhiên trong thực tế, não của chúng ta không lưu trữ dữ liệu theo cùng một cách tương tự như ở ổ đĩa cứng. Bên cạnh đó, giả thuyết cho rằng mỗi kết nối khớp thần kinh có trị giá 1 byte dữ liệu cũng đã là một sai lầm vì chưa thể xác định được chính xác. Chính vì thế, nếu bất tử thì bạn có thể sẽ nhớ được những kí ức trong vòng từ 200 đến 300 năm hoặc hơn.

Vấn đề là, nếu bạn chấp nhận rằng các kết nối thần kinh của con người có thể đạt đến mức 2,5 petabytes và bộ não của bạn là bất tử thì điều gì sẽ xảy ra khi não của chúng ta đã bị đầy dữ liệu? Liệu chúng ta có thể xóa bớt kí ức cũ hay không thể nào nhớ thêm được bất kì điều gì mới vì não đã đầy?

Theo các nhà nghiên cứu, bộ não của chúng ta có khả năng ghi đè những kí ức mới lên những kí ức cũ. Trong một thí nghiệm năm 2013 về vấn đề bộ nhớ, 146 tình nguyện viên đã được cho xem một tập phim. Sau đó họ sẽ phải trả lời câu hỏi về những tình tiết mà họ đã nhìn thấy. Cuối buổi chiếu phim, họ lại được nghe một băng ghi âm tóm tắt những tình tiết sai lầm của phim. Khi đó, họ sẽ được yêu cầu trả lời câu hỏi một lần nữa. Kết quả cho thấy phần lớn mọi người đều quên đi những gì mình đã xem và ghi lại đúng theo băng ghi âm. Điều này chứng tỏ rằng, bộ não chúng ta có thể quên đi những kí ức mà chúng ta đánh giá là không có giá trị và lưu lại những thứ đáng giá hơn.

Vì thế, nếu bộ não của chúng ta trở thành bất tử và bị đầy bộ nhớ, chúng sẽ tiếp tục ghi đè kí ức mới lên những phần kí ức cũ. Trừ một số trường hợp thần kinh bị tổn thương do một số loại bệnh gây ra như chứng mất trí hay Parkinson thì chúng ta hãy cứ yên tâm rằng bộ não sẽ luôn có khả năng hoạt động và ghi nhớ mãi mãi.

Theo Phan Thanh/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/lieu-con-nguoi-co-bi-het-bo-nho/20210401095528089