Liệu Israel có cần thêm vũ khí của Mỹ cho cuộc tấn công Rafah?

Cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel dường như không ảnh hưởng tới kho dự trữ và lực lượng không quân của Tel Aviv.

Quân đội Israel tập trung ở miền nam Israel gần biên giới Gaza hôm 9/5. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Quân đội Israel tập trung ở miền nam Israel gần biên giới Gaza hôm 9/5. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Theo trang The Guardian (Anh), mức độ viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel kể từ ngày 7/10/2023 phản ánh cường độ của cuộc tấn công vào Gaza. Một số chuyên gia lo ngại cuộc tấn công lớn vào Rafah sẽ không thể xảy ra nếu Washington ngừng cung cấp bom, đạn pháo và các loại đạn dược khác cho Tel Aviv.

Rất khó để biết số liệu chính xác về số vũ khí Mỹ đã gửi cho Israel, một phần vì Washington thận trọng trong việc tiết lộ các chuyến hàng. Mặt khác, Mỹ cũng có thể dựa vào các phê duyệt cũ của Quốc hội, đôi khi có từ nhiều năm trước, để gửi vũ khí cho đồng minh mà không cần giấy phép mới.

Hồi tháng 3, giới chức Mỹ cho biết trước Quốc hội rằng hơn 100 đơn hàng quân sự nước ngoài riêng biệt đã được gửi tới Israel kể từ ngày 7/10 năm ngoái. Một tổ chức tư vấn của Mỹ báo cáo rằng Lầu Năm Góc “đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm đủ máy bay chở hàng để cung cấp cho Israel các hệ thống này” vì có quá nhiều vũ khí đang chờ được vận chuyển.

Thỏa thuận có thời hạn 10 năm, do cựu Tổng thống Barack Obama ký vào năm 2016, đã cho phép Mỹ chi 3,3 tỷ USD cho vũ khí mỗi năm kể từ năm 2018, cùng với 500 triệu USD mỗi năm cho các hệ thống phòng không. Ngoài ra, tháng trước, Quốc hội Mỹ cũng phê duyệt thêm khoản viện trợ quân sự trị giá 13 tỷ USD, bao gồm 5,2 tỷ USD để tăng cường hệ thống phòng không hiện có.

Quan hệ an ninh giữa Mỹ và Israel đã bắt đầu từ những năm 1960. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 123 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, trong kho vũ khí nhập khẩu của Israel, 69% đến từ Mỹ và việc tạm dừng vận chuyển vũ khí rất hiếm khi xảy ra.

Năm 1982, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng trì hoãn việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 vì không hài lòng với việc Israel tấn công Liban.

Các tòa nhà đổ nát ở Gaza. Ảnh: Tân Hoa xã

Các tòa nhà đổ nát ở Gaza. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong cuộc xung đột hiện tại, Lầu Năm Góc rất ít khi công bố thông tin chi tiết về lượng viện trợ mà họ đã gửi cho Israel. Tháng 11/2023, Mỹ đã gửi 320 triệu USD bom chính xác cho Israel. Tháng sau đó, Washington tiếp tục gửi 14.000 quả đạn xe tăng trị giá 106 triệu USD và 57.000 quả đạn pháo 155mm cùng ngòi nổ và mồi trị giá 147,5 triệu USD, với 30.000 viên lựu pháo cho Tel Aviv.

Trong khi đó, lực lượng không quân Israel cho biết vào giữa tháng 2, họ đã tấn công 29.000 mục tiêu ở Gaza, sau hơn 4 tháng xảy ra xung đột. Theo Bộ Y tế Gaza, đây là một phần trong chiến lược ném bom khiến 34.780 người Palestine thiệt mạng.

Điều bất ngờ là Mỹ thậm chí còn cân nhắc cung cấp 1.700 quả bom 227 kg và đặc biệt là 1.800 quả bom nặng 907 kg – hiện đã bị chính quyền Tổng thống Biden ngừng gửi tới Israel. Bom 907 kg, nặng gấp 4 lần so với những quả bom lớn nhất mà Mỹ sử dụng để chống lại IS ở Mosul, đủ mạnh để làm nổ tung một khu chung cư nhỏ và để lại hố rộng 12 mét.

Mỹ lo ngại những vũ khí thô sơ hạng nặng này có khả năng giết chết hàng chục người trở lên trong một khu vực đông đúc, sẽ được sử dụng trong cuộc tấn công cuối cùng của Israel vào Rafah.

“Người dân thường đã thiệt mạng ở Gaza do hậu quả của những quả bom đó và những cách khác mà họ tấn công vào các khu dân cư”, ông Biden nói với CNN vào tối hôm 8/5.

Trước đây, những quả bom nặng 907 kg này từng được sử dụng trong các cuộc tấn công vào tại trại tị nạn Jabaliya ngày 31/10/2023. Giới chức ước tính ít nhất 116 dân thường đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Người dân sơ tán khỏi Rafah. Ảnh: EPA

Người dân sơ tán khỏi Rafah. Ảnh: EPA

Theo phân tích từ những bức ảnh vệ tinh, 500 miệng hố lớn đã xuất hiện ở Gaza trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột cho đến ngày 6/11/2023, phù hợp với sức công phá của những quả bom nặng 907 kg.

Câu hỏi đặt ra là nếu không có những quả bom lớn hơn của Mỹ, thì kho dự trữ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có bao nhiêu quả bom? Đó không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Để đối phó với cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, Mỹ đã mở quyền truy cập kho vũ khí riêng ở Israel, WRSA-I, nơi có thể chứa nhiều loại đạn dược trị giá tới 4,4 tỷ USD, theo ước tính của Quốc hội.

Thực tế là danh mục vũ khí trong lệnh hạn chế của Tổng thống Biden gồm các loại vũ khí Israel đã có sẵn, bao gồm đạn xe tăng và đạn pháo. Lực lượng không quân của Israel phần lớn cũng không bị ảnh hưởng. Mỹ đã phê duyệt bán 25 máy bay chiến đấu F-35 hồi tháng 3 cho Israel, theo một phần của thỏa thuận được Quốc hội ủy quyền năm 2008.

Trong ngắn hạn, Israel gần như chắc chắn có thể tiếp tục cuộc tấn công Rafah, bất chấp cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng sẽ xảy ra với hàng triệu người Palestine đang tuyệt vọng trú ẩn ở đây. Song cuộc tấn công này sẽ có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự rạn nứt về nguồn cung quân sự với Mỹ.

Phân tích từ Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ bảo thủ ở Washington, D.C. cho thấy năm ngoái, Israel đã chi 5,3% GDP cho quốc phòng (gấp hơn 2,5 lần mục tiêu của NATO) và sẽ phải nâng ngân sách lên khoảng 7% - 8% để giảm (chứ không loại bỏ) sự phụ thuộc vào các chính phủ nước ngoài về vũ khí mà Israel cần nhất. Song không chắc liệu chính sách này có bền vững hay không.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-israel-co-can-them-vu-khi-cua-my-cho-cuoc-tan-cong-rafah-20240510170307176.htm