Liệu 'kẹo mút' có giúp Saudi Arabia đạt được kỳ vọng về giá dầu?

Cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ được theo dõi sát sao trong bối cảnh Nga muốn duy trì mức sản xuất hiện tại còn Saudi Arabia hướng đến đẩy tăng giá dầu.

OPEC+ cắt giảm sản lượng

Logo của OPEC bên ngoài trụ sở tổ chức này tại Vienna (Áo). Ảnh: AP

Logo của OPEC bên ngoài trụ sở tổ chức này tại Vienna (Áo). Ảnh: AP

OPEC+ sau cuộc họp 7 tiếng đồng hồ tại trụ sở ở Vienna (Áo) ngày 4/6 đã thống nhất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024 với tổng cộng 1,4 triệu thùng mỗi ngày.

Như vậy, tổng lượng dầu thô của OEPC+ sẽ giảm xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ 1/1/2024 cho đến 31/12/2024. Nhưng hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá một số quốc gia thành viên OPEC+ không thể sản xuất đuổi kịp hạn ngạch của họ do đó mức giảm thực tế vào khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương hơn 3% tổng lượng cung toàn cầu.

Cùng ngày, Saudi Arabia thông báo nước này dự kiến cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và có thể tiếp tục gia hạn nếu Riyadh thấy cần thiết. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu tại họp báo sau cuộc họp, gọi việc cắt giảm này là “kẹo mút Saudi” và “chúng tôi muốn tình thế tốt đẹp hơn”. Theo ông Abdulaziz bin Salman, việc cắt giảm có thể kéo dài và OPEC+ sẽ làm mọi điều cần thiết để mang ổn định cho thị trường dầu mỏ.

Động thái cắt giảm mới nhất sẽ hạ sản lượng chính của Saudi Arabia xuống còn 9 triệu thùng/ngày. Mức khai thác của nước này trước tháng 4 là 10,5 triệu thùng/ngày. Năng lực sản xuất chính thức của Riyadh là gần 12 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, mức giảm này không áp đặt bắt buộc lên toàn bộ các thành viên OPEC+. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được phép nâng sản lượng 200.000 thùng dầu/ngày.

OPEC+ cũng hạ thấp các mục tiêu cho Nga, Nigeria và Angola để phù hợp với mức sản xuất thực tế hiện tại của họ. Hãng TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moskva sẽ kéo dài việc cắt giảm tình nguyện sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024 theo thỏa thuận của OPEC+.

Kỳ vọng tăng giá dầu của Saudi Arabia

Xe chở dầu tại cơ sở lọc dầu ở Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Xe chở dầu tại cơ sở lọc dầu ở Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia giàu dầu mỏ cần doanh thu từ vàng đen để cân bằng ngân sách và cấp vốn cho các dự án quốc gia. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu ở mức 80,9 USD/thùng để đáp ứng cam kết chi tiêu dự kiến.

OPEC+ cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của toàn thế giới. Theo Al Jazeera, điều này có thể khiến các quyết định chính sách của OPEC+ tác động lớn đến giá dầu. Năm 2022, tổ chức này đã thống nhất cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày. Vào tháng 4 vừa qua, OPEC+ tuyên bố cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày với hiệu lực từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023.

Chủ tịch công ty phân tích Rapidan Energy (Mỹ) Bob McNally nhận định với kênh CNBC: “Thị trường không kỳ vọng Saudi Arabia đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Điều đó một lần nữa chứng minh rằng Saudi Arabia sẵn sàng hành động đơn phương để ổn định giá dầu”. Ông bổ sung: “Chúng tôi nhận thấy mức thâm hụt lớn trên toàn cầu có thể trở thành sự thật vào nửa cuối năm 2023 và giá dầu thô sẽ vượt quá 100 USD vào năm tới”.

Trong khi đó, ông Kang Wu tại công ty S&P Global Commodity Insights ước tính rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng trong mùa Hè ở Bắc Bán cầu sẽ dẫn đến giảm tồn kho dầu mỏ và “hỗ trợ giá dầu cao hơn” trong những tháng tới.

Ông Jorge Leon tại công ty Rystad Energy (Na Uy) đánh giá đợt cắt giảm mới có thể sẽ đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn, nhưng tác động sau đó sẽ phụ thuộc vào việc Arab Saudi có quyết định kéo dài việc cắt giảm hay không. Theo AP, giá dầu sụt giảm giúp người lái xe Mỹ mua xăng giá rẻ hơn và hỗ trợ xoa dịu lạm phát cho người tiêu dùng trên toàn cầu.

Sau quyết định của OPEC+ vào tháng 4, việc phục hồi về giá với giá dầu Brent chuẩn toàn cầu gần 90 USD/thùng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trước thềm cuộc họp 4/6, hợp đồng tháng giao ngay dầu Brent ở mức 76 USD/thùng sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 2/6.

Ông Ed Morse tại ngân hàng Citi vào ngày 5/6 cho rằng thị trường dầu mỏ vẫn “rất yếu” một phần do nhu cầu không khả quan tại 3 khu vực tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông Morse cũng bình buận: “Không có gì đảm bảo rằng giá dầu sẽ không xuống mức dưới 70 USD/thùng”.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào hôm 26/11.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters, Forbes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lieu-keo-mut-co-giup-saudi-arabia-dat-duoc-ky-vong-ve-gia-dau-20230605143223241.htm