Liệu mai này sông Sài Gòn có được như Chao Phraya?

Hầu hết các thành phố lớn đều có một dòng sông chảy ngang qua nhưng không phải dòng sông nào cũng được khai thác vào mục đích kinh tế và đa chức năng như cách Chao Phraya thành công.

TPHCM nên học hỏi mô hình sông Chao Phraya cho sông Sài Gòn là thích hợp nhất. Ảnh: H.P

TPHCM nên học hỏi mô hình sông Chao Phraya cho sông Sài Gòn là thích hợp nhất. Ảnh: H.P

Những dấu ấn riêng

Dòng sông Seine của Paris (Pháp) và sông Moscow của thủ đô nước Nga chỉ là những dòng sông cảnh quan. Dọc hai bên bờ của sông Seine được bó vỉa bằng đá, những công trình kiến trúc đẹp, đa dạng cùng với cây xanh tôn lên vẻ đẹp hình thể của dòng sông. Thỉnh thoảng du khách có thể bắt gặp những quán cà phê ngoài trời, một vài quầy bán đồ lưu niệm, còn việc khai thác sông vào du lịch chủ yếu là những du thuyền chạy dọc sông. Như thế, con sông hút khách thập phương đến chụp hình và chiêm ngưỡng.

Để thu hút khách du lịch đến Paris, bắt đầu từ năm 2007, văn phòng thị trưởng Paris xây dựng một chương trình có tên là “Paris – Plages” nhằm tạo ra những bãi biển nhân tạo tạm thời vào mỗi mùa hè dọc theo sông Seine. Ở ngay trung tâm Paris, người ta chặn một đoạn đường dài khoảng 2,5 ki lô mét dọc sông Seine bên cạnh tòa thị chính, đổ cát, trồng cọ và thêm nhiều họa tiết trang trí để biến nơi đây thành một khu nghỉ mát thực thụ. Chương trình này thành công ngoài mong đợi, đã thu hút được hàng triệu người mỗi năm, nhưng chương trình chỉ kéo dài đúng một tháng hàng năm từ ngày 20-7 đến 20-8.

Có những con sông lại được khai thác về tâm linh, chẳng hạn như sông Hằng của Ấn Độ. Hai bờ của con sông này chủ yếu là những địa điểm làm lễ thủy táng, hỏa táng người chết và những bậc đá để người dân gội đầu, tắm và cầu nguyện mỗi buổi sáng và chiều tà. Đây được coi là nét văn hóa độc đáo, riêng biệt và có lịch sử lâu đời của Ấn Độ.

Trên thế giới cũng có những thành phố cắt những đoạn sông ngắn vào khai thác kinh doanh, du lịch, chẳng hạn sông Lệ Giang của thị trấn cổ cùng tên ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hay kênh Nyhavn (thực chất là một đoạn sông đào) nằm ở trung tâm thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) – khu vực chỉ vẻn vẹn 600 mét từ quảng trường Kongens Nytorv đến phía Nam cung điện hoàng gia Amalienborg.

Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất, thu hút khách du lịch bởi kiến trúc cổ nhiều màu sắc lạ mắt và rất nhiều quán bar, dịch vụ chen nhau, cùng rất nhiều chiêu trò hút khách, cảnh sinh hoạt nhuốm màu cũ kỹ từ thế kỷ 17. Ở Việt Nam, sông Hoài (Hội An, Quảng Nam) cũng được khai thác cho du lịch nhưng quy mô rất nhỏ và giới hạn trong vài ki lô mét.

Thành công của “sông tiền”

Trên thế giới, không có nhiều thành phố khai thác dòng sông cùng lúc với nhiều chức năng, nhất là chức năng kinh tế, thương mại được đặt trọng tâm nhằm mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố. Một trong những ví dụ thành công thường được nhắc đến nhiều nhất là sông Chao Phraya của Bangkok (Thái Lan). Dòng sông này nổi tiếng không chỉ là sông di sản lịch sử – kiến trúc, văn hóa – tâm linh, mà còn gọi là dòng sông kinh tế hay là “sông tiền” vì nó đóng góp rất lớn vào GRDP của Bangkok, nơi mà hơn 60% GRDP là từ du lịch. Chính vì điều này mà rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng TPHCM nên học hỏi mô hình sông Chao Phraya cho sông Sài Gòn là thích hợp nhất, bởi có sự tương đồng về cấu trúc, thời tiết khí hậu và bối cảnh văn hóa, truyền thống của cư dân trồng lúa nước.

Sông Chao Phraya (tên gọi khác là Menam) có chiều dài 372 ki lô mét được gọi là “dòng sông của các vị vua Thái”, phần chảy qua địa phận Bangkok là 30 ki lô mét. Từ năm 1980, khi Thái Lan chủ trương xây dựng du lịch thành chiến lược kinh tế chủ đạo, Chao Phraya được hoạch định phải trở thành điểm nhấn và điểm hút của du lịch. Chính phủ Thái Lan và chính quyền Bangkok tập trung tài chính rất lớn cho dự án trọng điểm này. Dự án được giao cho trường đại học lớn nhất Thái Lan là Chulalongkorn (tên vị vua thứ 5 của Thái Lan) thực hiện, nơi tập trung các kiến trúc sư, nhà thiết kế và kinh tế gia hàng đầu của đất nước.

Dựa trên đặc tính của bờ sông và các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi có sẵn, Thái Lan “cấy” thêm các công trình mới, tạo ra cho đoạn sông qua Bangkok 34 bến đỗ, mỗi bến là một điểm nút dịch vụ du lịch hấp dẫn. Hai bên bờ sông có những danh thắng nổi tiếng như chùa, viện bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, công viên chuyên đề, tượng đài, vườn hoa, chợ nổi và chợ truyền thống. Trong đó phải kể đến những điểm nhấn cực ấn tượng là Cung điện Hoàng gia và chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew), bảo tàng quốc gia Royal Barge, đền Wat Arun, chợ đêm Asiatique the Riverfront, tòa tháp cao 76 mét được tạo hình từ những mảnh vỡ của một con tàu đắm.

Ban đêm, dòng sông này trở nên lung linh huyền ảo bởi nghệ thuật ánh sáng không chỉ trên bờ mà cả dưới sông, tạo nên một không khí cực kỳ sôi động. Người châu Âu coi nó như là “Venice phương Đông”. Mỗi năm có hàng triệu khách du lịch du ngoạn trên dòng sông này, mặc dù có đến năm đội tàu chuyên nghiệp phục vụ mang năm màu sắc khác nhau là xanh dương, vàng, xanh chuối, cam và gỗ (của dân địa phương), chạy liên tục từ 6 giờ sáng đến 19 giờ 30 tối mà vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của khách. Những khách đi theo đoàn phải đặt trước nhiều ngày mới có chỗ. Nếu mỗi ngày đến hai điểm trên cung đường sông Chao Phraya và tận hưởng hết mọi sự thú vị trong đó, du khách phải mất nửa tháng mới có thể khám phá hết 34 điểm nút, chưa kể có những điểm dành một ngày chưa đủ như bảo tàng quốc gia, Cung điện Hoàng gia.

Đặc biệt, mỗi thủ tướng Thái Lan lên cầm quyền đều có những hoạt động tu bổ, làm mới giúp Chao Phraya hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, ông Prayut Chan-o-cha với siêu dự án “dòng Chao Phraya cho tất cả” với lời cam kết bờ sông thuộc về tất cả người dân – mọi người đều có quyền tiếp cận các không gian công cộng ven sông. Sau chuyến thăm Hàn Quốc năm 2015, vị thủ tướng nảy sinh ý tưởng phát triển một lối đi dạo dọc bờ sông Chao Phraya ở Bangkok.

Lấy cảm hứng từ lối đi dạo ven suối Cheonggyecheon (dự án cải tạo Thanh Khê Xuyên nổi tiếng ở Seoul), dự án mang tên “Đường đi dạo trên sông Chao Phraya” ra mắt. Đoạn đường này dài 7 ki lô mét chỉ dành cho đi bộ và làn đường dành cho xe đạp chạy dọc theo cả hai bờ sông Chao Phraya, kéo dài từ cầu Rama VII đến cầu Pinklao đã tạo tiếng vang trong giới du lịch. Dòng sông được coi là huyền thoại này mang lại cảm hứng cho nhiều thành phố lớn trên thế giới lên kế hoạch khai thác dòng sông ở thành phố mình.

Sông Sài Gòn có làm nên chuyện lớn?

Thời gian gần đây, TPHCM đặt ra bài toán làm sao để khai thác sông Sài Gòn trở thành mặt tiền của thành phố và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho người dân. Để một dòng sông trở thành “dòng sông kinh tế”, nó phải hội tụ được ít nhất hai yếu tố căn bản là vẻ đẹp của dòng sông và giá trị văn hóa mà nó ôm trọn. Dường như sông Sài Gòn và sông Chao Phraya đều ôm trong nó những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc rất phong phú và lâu đời. Hai dòng sông khá tương đồng về cảnh quan, cộng đồng dân cư, công sở, di sản kiến trúc, các ngôi chùa, chợ, vườn cây xanh và cả khí hậu.

Cả hai yếu tố vẻ đẹp và giá trị, sông Sài Gòn dường như đã có thừa, thậm chí còn có những ưu thế nổi trội hơn, chẳng hạn đoạn khai thác dài gấp đôi (65 ki lô mét) so với đoạn sông Chao Phraya qua Bangkok (30 ki lô mét). So về hình dáng, sông Sài Gòn có phần đẹp hơn. Sông Chao Phraya thẳng và nước sông chảy khá mạnh cho nên khách du lịch chỉ quan sát thấy bờ đối diện. Sông Sài Gòn nhìn từ trên tòa tháp Landmark 81 hay tháp Bitexco Financial Tower sẽ thấy như một dải lụa mềm uốn lượn quanh co với những khúc bo tròn ở Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm. Do vậy, tầm nhìn của khách du lịch có thể quét rộng hơn. Vì là hạ lưu nên sông Sài Gòn chảy êm đềm, sông không quá rộng, hai bờ sông có nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp. Điểm đầu của sông Sài Gòn thuộc địa phận TPHCM là rừng tự nhiên ở Củ Chi và điểm kết là rừng ngập nước Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới.

Tuy nhiên để có thể hiện thực hóa được dòng sông di sản này, TPHCM cần có một triết lý phát triển nhất quán cho sông Sài Gòn, sau đó cần có một đề án quy hoạch không gian, quy hoạch môi trường, quy hoạch kinh tế – xã hội và văn hóa. Đề án này tốt nhất là kết quả của cuộc thi quốc tế, rồi huy động các nguồn lực để hiện thực hóa nó theo lộ trình một cách bài bản.

Những hoạt động du lịch và kinh tế của sông Chao Phraya mang lại cho Bangkok hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Liệu sông Sài Gòn có làm nên chuyện lớn? Đó còn là một ẩn số. Người dân thành phố này cũng từng kỳ vọng Thủ Thiêm sẽ giống như phố Đông của Thượng Hải.

TS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lieu-mai-nay-song-sai-gon-co-duoc-nhu-chao-phraya/