Liệu tàu tấn công đổ bộ có thay thế được tàu sân bay cỡ lớn?
Tàu sân bay là vũ khí mà mọi lực lượng hải quân trên thế giới mong muốn, nhưng không phải quốc gia nào cũng có đủ điều kiện sở hữu. Vì lẽ đó, tàu sân tấn công đổ bộ, hay tàu sân bay hạng nhẹ là một giải pháp hợp lý hơn.
Theo 19Fortyfive, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 8 quốc gia gồm: Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc là sở hữu tàu sân bay "thực thụ". Với kích cỡ khổng lồ và yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, một mẫu hạm luôn được coi là công cụ răn đe đầy sức mạnh và biểu tượng cho năng lực hải quân của một quốc gia.
Tuy vậy, không phải nước nào cũng có thể sở hữu một tàu sân bay cho riêng mình, vì lẽ đó, các tàu tấn công đổ bộ hay tàu sân bay hạng nhẹ đang trở thành lựa chọn hàng đầu trên khắp thế giới. Là một dạng tàu chiến đa năng, các con tàu có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng, đặc biệt là tác chiến chống tàu ngầm.
Tàu đổ bộ lớp San Giorgio
Tàu chiến của người Italia đã trải qua rất nhiều lần sửa đổi và nâng cấp kể từ khi ra mắt vào năm 1988. Hai chiếc đầu tiên có chiều dài 132m và lượng choán nước 7.900 tấn, chiếc thứ 3 có lượng choán nước 8.000 tấn.
Tàu lớp San Giorgio được thiết kế như một bến cảng di động, cho phép các phương tiện đổ bộ di chuyển một cách tiện lợi và nhanh chóng. Ban đầu, các tàu tấn công đổ bộ của Italia có thể mang theo 36 xe bọc thép và 350 lính, nhưng hiện tại, chúng đã được sửa đổi để có thể mang theo 4 trực thăng (AW101, AB-212 hoặc SH-9). Ngoài ra, mẫu tàu tấn công này ban đầu cũng được trang bị pháo tự động 76 mm, nhưng giờ chỉ còn 1 tàu thuộc lớp San Giorgio là San Giusto được giữ lại.
Vào năm 2014, hải quân Algeria đã đưa vào biên chế một biến thể của tàu tấn công đổ bộ San Giorgio, mang tên Kalaat Béni Abbès. Với chiều dài 141m, tàu chiến này có thể mang theo 450 lính và sở hữu 2 bãi đáp trực thăng. Ngoài ra, Kalaat Béni Abbès còn có 2 ống phóng tên lửa thẳng đứng và khẩu pháo 76mm ở mũi tàu.
Tàu sân bay trực thăng Type 0891A/Type 075
Vào năm 1997, Trung Quốc đưa vào biên chế một tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Type 0891A mang tên Shichang 82. Đây là tàu sân bay trực thăng có chiều dài 136m và lượng choán nước 9.500 tấn, có thể mang theo 2 trực thăng Harbin Z-9. Con tàu này không có khả năng tấn công và chỉ mang tác dụng huấn luyện và vận tải. Tuy vậy, nó là tiền đề để Trung Quốc tạo ra tàu tấn công đổ bộ Type 075 nổi tiếng.
Tàu tấn công đổ bộ Type 075 có lượng choán nước 40.000 tấn, dài 250 m, rộng 30 m và có thể chở tới 30 trực thăng cũng như các loại xe tăng lội nước, xe thiết giáp, tàu đổ bộ cùng hàng trăm hải quân. Tính tới tháng 3 năm này, Trung Quốc đã hạ thủy tổng cộng 3 tàu lớp Type 075, hải quân nước này dự kiến sẽ trang bị tổng cộng 8 chiếc trong tương lai.
Tàu chiến của Trung Quốc có kích thước tương đương tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng tác chiến của tàu Type 075 bị giới hạn, do đại lục không sở hữu máy bay có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B và MV-22 Osprey của Mỹ.
Tàu tấn công đổ bộ Ocean/Atlântico
Tàu tấn công độ bộ HMS Ocean được hải quân Anh đưa vào biên chế năm 1988. Sàn tàu của Ocean có chiều dài 220m, có thể đỗ theo cùng lúc 6 trực thăng. Nếu tính cả các khoang chứa trong thân, con tàu này có thể mang theo tổng cộng 18 trực thăng (EC725 Caracal hoặc S-70B Seahawk). Ngoài ra, tàu tấn công độ bộ này cũng có thể chở theo 800 lính và 40 xe quân sự các loại.
Sau 2 thập kỷ phục vụ cho hải quân Anh, Ocean được bán lại cho Brazil vào năm 2018. Con tàu này được đại tu và đưa vào biên chế cùng năm với tàu sân bay hạng nhẹ Atlântico. Theo hải quân Brazil, Atlântico có thể vận hành các mẫu UAV cánh cố định và máy bay cánh quạt.
Tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga, tàu đổ bộ lớp Osumi và tàu sân bay Izumo
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) sở hữu rất nhiều loại tàu đổ bộ tấn công và tàu sân bay hạng nhẹ dùng cho nhiều mục đích khác nhau.
Vào năm 2009, MSDF ra mắt tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga đầu tiên. Vời chiều dài 224m và choán nước khoảng 18.000 tấn, tàu khu trục này có thể mang theo ba trực thăng SH‐60K Seahawk và một chiếc MCH‐101. Bên cạnh đó là 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mk-41, 2 pháo tự động Phalanx và 2 ống phóng ngư lôi.
Ngoài Hyuga, Nhật Bản cũng có 3 tầu đổ bộ lớp Osumi, thường dùng để vận chuyển bộ binh, xe thiết giáp và xuồng đổ bộ. Tuy vậy, các tàu Osumi cũng cho phép trực thăng cất cánh và hạ cánh.
Tâm điểm của MSDF hiện tại là 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, hiện đã được sửa đổi để trở thành tàu sân bay "thực thụ". Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Izumo hiện có thể vận hành tiêm kích F-35B, vốn sở hữu khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo
Vào năm 2007, hải quân Hàn Quốc lần đầu giới thiệu tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo đầu tiên mang tên ROKS Dokdo. Với chiều dài 198m và lượng choán nước 18.000 tấn, tàu chiến này có thể mang theo 700 lính và 12 xe quân sự các loại. Với kích thước lớn, Dokdo có thể vận chuyển tổng cộng 15 trực thăng, thường là UH-1H và UH-60P Black Hawks.
Tới năm 2021, tàu lớp Dokdo thứ hai là ROKS Marado đã được đưa vào biên chế. Khác với người tiền nhiệm, Marado được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, cùng với đó một kho tên lửa đa dạng, từ tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không tới tên lửa tấn công mặt đất.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp/America
Dù có 11 tàu sân bay hạt nhân, nhưng hải quân Mỹ cũng không quên trang bị cho mình các tàu tấn công đổ bộ để phù hợp với nhiều nhiệm vụ.
Tàu đổ bộ lớp Wasp đầu tiên được ra mắt vào năm 1989, với chiều dài 300m và lượng choán nước 40.500 tấn. Con tàu có thể mang theo 5 xe tăng M-1, 35 xe bọc thép hạng nhẹ và khoảng 1.800 binh lính. Tổng cộng có 8 tàu đổ bộ lớp Wasp được sản xuất, nhưng một chiếc đã bị hư hại do hỏa hoạn năm 2020.
Tàu tấn công đổ bộ lớp America được đưa vào biên chế lần đầu năm 2014, có chiều dài tương đương lớp Wasp nhưng lượng choán nước lớn hơn một chút, 44.000 tấn. Được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ trên không, một chiếc America tiêu chuẩn sẽ được trang bị 5 tiêm kích F-35B, 2 chiếc UH-1Y, 4 chiếc CH-53E, 12 chiếc MV-22, 2 chiếc MH-60 và 4 chiếc AH-1Z.