Liều thuốc độc mang tên 'im lặng'
Hôn nhân cũng giống như cách người ta nhóm lên một bếp lửa. Không phải cứ cháy lên thì sẽ tỏa hơi ấm mãi. Bởi khi cái bếp lửa ấy không được cho thêm than củi thì nó cứ tàn lụi dần rồi tắt ngóm…
Họ sống hạnh phúc 22 năm. Người ngoài nhìn vào đều ngưỡng mộ: Chồng có địa vị, vợ có việc làm ổn định, con cái ngoan ngoãn. Mỗi khi 4 người nhà họ đi chung thì thiên hạ phải trầm trồ vì quá đề huề, hạnh phúc.
Ấy vậy mà tháng trước người chồng dọn ra khỏi nhà. Họ đã ly hôn. Bức tranh hạnh phúc bị xé nát khiến bà con, chòm xóm, bè bạn ngỡ ngàng. Mọi người tò mò dò xét nhưng vẫn không tìm được câu trả lời. Anh không trăng hoa bồ bịch, chị vẫn chính chuyên từ ngày họ nên nghĩa vợ chồng. Mọi người cứ đồn đoán nọ kia… Và tôi cũng không nằm ngoài số ấy.
Thường ngày chị không cởi mở với ai về chuyện gia đình mình nhưng hôm đó chị đã phá lệ. Tôi mang cho chị mấy cái bánh vừa làm còn nóng hổi. Là loại bánh chị thích nên câu chuyện cứ kéo dài. Khi tôi tỏ ý thích thú với căn bếp của chị thì giọng chị chợt chùng xuống: “Từ lâu rồi căn bếp này không còn ấm áp nữa em à”.
Từ 10 năm nay họ đã không còn ăn chung, ngủ chung.
Câu chuyện của chị khiến tôi giật mình. Nó có thể không là của riêng ai...
Chị không nhớ rõ nhưng có thể mọi chuyện bắt đầu từ năm thứ hai của cuộc hôn nhân. Lần đó anh đi làm rồi có việc đột xuất phải giải quyết nên ở lại muộn. Chị chờ cơm đến gần 10 giờ đêm. Lo lắng, sốt ruột chị gọi điện hỏi thì anh gay gắt: “Anh và em đã thỏa thuận với nhau là người này không được hỏi người kia đi đâu, làm gì rồi mà”. Rồi anh dập máy. Chị lặng lẽ khóc và đi ngủ với cái bụng đói. Mà có ngủ được đâu…
Một lần chị gặp bế tắc trong công việc, không thể chia sẻ với ai nên chị kể cho anh. Không ngờ anh gạt đi: “Anh cũng mệt mỏi lắm nên đừng để cho anh phải nghe những chuyện như vậy nữa. Em tự giải quyết vấn đề của mình đi”. Chị lại khóc. Lần đó chị sụt mất gần 5 ký, người gầy tọp, mặt hốc hác. Có vẻ anh cũng nhận ra nên mua mấy lọ thuốc bổ về đặt trước mặt: “Ai cũng có gánh nặng, em đừng để chuyện của em làm ảnh hưởng tới anh”.
Rồi con gái đầu tới tuổi ẩm ương, học hành sa sút. Mỗi lần nhà trường gọi điện mời lên là chị mất ăn, mất ngủ. Quá lo lắng, chị nói với anh, mong anh có cách giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì. Đáp lại chị là sự lạnh lùng: “Chuyện con cái đã giao cho em, anh còn phải kiếm tiền lo cho cái nhà này, đừng để anh bận tâm vì những chuyện vặt vãnh như vậy”.
Chị lại một mình ôm lấy trách nhiệm mà lẽ ra là của hai người.
Họ dần ít nói chuyện với nhau. Anh đi đâu, làm gì cũng không nói với chị. Dần dần sự quan tâm, lo lắng trở thành dửng dưng, thờ ơ. Hai đứa nhỏ cũng nhận ra sự trục trặc của cha mẹ nhưng chúng nghĩ có thể người lớn có cách sống của riêng mình, chúng không hiểu và không thể tham gia vào mối quan hệ ấy. Đôi lần thấy mẹ buồn thì chúng lại đưa mẹ đi mua sắm, ăn uống. Đối với chúng, cuộc sống cũng không có gì phải than phiền vì ba vẫn mang tiền về cho mẹ, chúng muốn gì thì cũng được ba đáp ứng…
Cho đến một ngày, anh đi nhậu về khuya say khướt, đi đứng không vững, ói mửa đầy nhà. Sáng ra chị nhắc thì anh quát lên: “Làm ăn mà không nhậu nhẹt thì chó nó làm với mình. Đàn bà biết gì, câm họng đi”.
Từ đó chị câm họng.
Vui buồn chị giấu lại cho riêng mình. Đi đâu chị cũng đi một mình, rất hiếm khi họ đi cùng nhau. Lâu dần chị không quan tâm anh đi đâu, làm gì, với ai…
Rồi chị dọn ra ngủ riêng với lý do anh làm việc khuya mở đèn chị khó ngủ. Anh không hỏi han gì. Tự ái, chị chốt chặt cửa. Đôi lần nghe anh gõ cửa lúc nửa đêm về sáng, chị giả vờ không nghe. Sáng chị thức dậy thì không thấy anh đâu. Họ cứ như mặt trăng với mặt trời, lúc người này lặn thì người kia mọc.
Lâu dần thành quen. Họ không gây gổ, cãi cọ những cũng không chia sẻ, giải bày. Họ ở chung nhà nhưng không ngủ chung giường. Họ cùng có mặt trong gian bếp đẹp đẽ nhưng không cùng ăn chung mâm. Họ đi cùng nhau nhưng tâm trí mỗi người một hướng.
Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Khi chị đưa cho anh tờ đơn ly hôn thì anh tròn mắt: “Chuyện khùng điên gì nữa đây?”. Chị nói muốn ly hôn và không thay đổi ý định.
Ra tòa, vị thẩm phán được phân công xét xử đã nhiều lần khuyên họ nên suy nghĩ lại, thay đổi cách ứng xử trong gia đình, mở lòng và quan tâm đến nhau vì “xây dựng gia đình là chuyện của tất cả các thành viên chứ không của riêng ai”. Anh cũng không muốn tan đàn, xẻ nghé vì “già rồi mà dắt nhau ra tòa người ta cười cho”. Chị thở dài. Cuối cùng thì anh cũng chỉ quan tâm đến sĩ diện của mình chứ không hề nghĩ đến tâm tư của chị. Thôi thì đường ai nấy đi. Con cái đã khôn lớn, chị muốn giải thoát cho mình và cho cả hai người.
Câu chuyện của chị là một bản nhạc rất buồn. Tôi nhớ mãi nét mặt và giọng nói của chị khi kết thúc câu chuyện: Hôn nhân cũng giống như cách người ta nhóm lên một bếp lửa. Không phải cứ cháy lên thì sẽ tỏa hơi ấm mãi. Bởi khi cái bếp lửa ấy không được cho thêm than củi thì nó cứ lụi dần rồi tắt ngóm...
Tôi ngẫm nghĩ và thấy đúng như vậy.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lieu-thuoc-doc-mang-ten-im-lang-23819.html