Liều thuốc nào 'trị bệnh' tắc nông sản ở cửa khẩu

Cứ như một năm bốn mùa, câu chuyện ùn tắc nông sản xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc lâu nay bỗng trở thành 'thông lệ'. Người nông dân kêu trời, doanh nghiệp than vãn, cán bộ hải quan thức thâu đêm làm thủ tục vẫn không xuể. Một vài chuyên gia kinh tế xếp câu chuyện này vào danh mục 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'. Tìm 'thuốc đặc trị' cho căn bệnh này liệu có khó đến thế?!

Chạy theo “cảnh báo đỏ”

Theo số liệu mới nhất từ Cổng thông tin một cửa quốc gia, lượng xe hàng chờ thông quan ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã ùn tắc nghiêm trọng trở lại. Mật độ phương tiện chờ được thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu tiếp tục tăng cao, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn Lạng Sơn với mức cảnh báo đỏ, trên 5.000 xe.

Số xe đang “nằm” tại cửa khẩu Cốc Nam là 1.929, ga Đồng Đăng là 1.672 xe, Hữu Nghị 1.496 xe. Ở Tân Thanh, mật độ phương tiện có thấp hơn với 858 xe. Tiếp sau đó là khu vực Lào Cai với mật độ đông nhất tập trung tại ga Lào Cai 1.117 xe, cửa khẩu Lào Cai 1.083 xe. Mật độ xe đều cao hơn so với tuần trước, có cửa khẩu cao hơn tới 20%.

Vừa qua, Lạng Sơn đã liên tục phải đặt ra các thời gian tạm dừng tiếp nhận xe nông sản lên cửa khẩu. Tuy nhiên, lượng xe vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt đáng lo ngại trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ. Địa phương này đang dự kiến từ ngày 15/3 đến ngày 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn có thể lên tới 2.000 xe. Rất nhiều xe vẫn nằm sẵn, chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để “ập” vào các cửa khẩu.

Hàng nghìn container chở nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Quảng Ninh là khu vực có mật độ phương tiện lớn thứ 3, với gần 3.000 xe, cũng tăng so với tuần trước. Phương tiện tập trung chủ yếu tại Móng Cái cách đây vài hôm đã cơ bản được giải phóng, chỉ còn 617 xe, trong khi đó số xe ở ICD Thành Đạt còn 1.452 xe.

Hiện nay, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai đang khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để triển khai giải pháp là phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước. Đặc biệt tại Lạng Sơn, từ 1/3, phương pháp giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc” đã được hai bên thống nhất thực hiện tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.

Từ khi xảy ra vấn đề này, từ trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ, với những giải pháp xuất phát từ thực tiễn, như Thủ tướng Chính phủ đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp. Những nỗ lực này đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay, đã mở 13/13 cửa khẩu.

Tuy các giải pháp đã và đang triển khai có phát huy hiệu quả, song đó vẫn chỉ là những phương thức “chạy theo cảnh báo đỏ”, xử lý trước mắt. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, những chính sách triển khai thời gian qua là kịp thời nhưng chưa thực sự căn cơ, chưa giải quyết tận gốc của vấn đề, chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa, trong đó đa số là nông sản, tại các khu vực cửa khẩu.

Tới đây, về dài hạn, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đang khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Gốc rễ vẫn là chất lượng sản phẩm

“Đâu là lời giải căn cơ?” – đây là một câu hỏi khó cần tất cả các bộ, ngành cũng như địa phương tích cực tham gia giải từng phần và ghép nối lại với nhau. Nói cách khác là cần thiết phải có sự kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành từ sản xuất, chế biến đến vận tải, cung ứng, lưu thông hàng hóa, quản lý xuất nhập khẩu. Trong chuỗi kết nối đó, sản xuất và đảm bảo chất lượng hàng hóa là gốc rễ của vấn đề.

Tra cứu tình trạng “tắc biên” qua internet

Từ 27/1/2022, Tổng cục Hải quan chính thức đưa vào hoạt động chức năng cảnh báo chống ùn tắc (hàng hóa ở cửa khẩu) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Thông tin về lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được cập nhật theo thời gian thực; công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn.

Tình trạng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được thể hiện trên nền giao diện trực quan và thân thiện với 4 mức độ. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể truy cập bằng máy tính hoặc các thiết bị thông minh có kết nối internet để tra cứu.

Ở góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường cho nông sản Việt thông qua định kỳ làm việc với phía bạn, đưa thêm mặt hàng nông sản để xuất khẩu chính ngạch vào nghị định thư.

Phía bạn cũng đồng ý quan điểm này song do dịch Covid-19 nên các chuyên gia, cán bộ của Trung Quốc chưa sang để cụ thể hóa. Bộ NN&PTNT cũng đang thúc đẩy việc này cùng Bộ Công thương để nhiều loại nông sản hơn nữa được xuất khẩu chính ngạch.

Nhưng, vấn đề phát triển thị trường là một chuyện nhưng để có nông sản đáp ứng được yêu cầu lại là câu chuyện khác. Không thể phủ nhận rằng, vẫn nhiều doanh nghiệp (DN) chưa có tầm nhìn chiến lược, hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường thay đổi là trở tay không kịp. Trên thực tế, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, đã thay đổi từ lâu các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để giúp đỡ DN, các bộ và các hiệp hội đã hết sức coi trọng công tác truyền thông chính sách giao thương, xuất khẩu sang Trung Quốc cho bà con, DN. Trong đó nhấn mạnh rõ tiềm năng, thế mạnh, tiêu chuẩn hàng hóa, những đạo luật, pháp lệnh của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, thông tin là vô tận, quan trọng là DN có chủ động tiếp cận hay không.

Các hiệp hội, địa phương cũng cần đồng hành để có nông sản, sản phẩm đáp ứng được chuẩn mực của thị trường nhập khẩu. Khi chưa giải quyết được gốc rễ này thì những khâu sau vẫn chỉ là “chạy theo” mà thôi.

* Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch là giải pháp quan trọng

Bà Đoàn Thu Hà

Việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn, như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, thói quen mua bán của cư dân biên giới... Điều đó tác động đến thương mại song phương.

Cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Đây là giải pháp quan trọng để các địa phương rà soát lại các tiêu chí, vùng trồng, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu nông sản để cân đối giữa quy mô và thị trường tiêu thụ.

* Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Cần đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch

Ông Mai Xuân Thành

Không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua. Đến giờ lợi ích đó còn nên DN vẫn tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới mới tính đến bán hàng. Nếu bán hàng theo hợp đồng, hạn chế rủi ro, nhưng đôi khi bán tiểu ngạch thì dễ hơn.

Về lâu dài, DN cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn; cần thúc đẩy xu hướng này. Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc.

* Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa

Ông Nguyễn Thanh Bình

Về vấn đề chuyển đổi sang phương thức chính ngạch, tôi băn khoăn và cho rằng đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được, vì mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng.

Chúng ta bỏ tiểu ngạch, chuyển hết tiểu ngạch sang chính ngạch là một vấn đề. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán rồi các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn.

Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nên có hỗ trợ tích cực để DN tiếp cận được với thị trường, với khách hàng. Nếu để cho DN tự vận động, tôi nghĩ rằng rất khó.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lieu-thuoc-nao-tri-benh-tac-nong-san-o-cua-khau-101423.html