'Liều thuốc' tái sinh cho dự án chống ngập 10.000 tỷ của Trungnam Group

Chính phủ đã ký nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho dự án ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM do Trungnam Group làm chủ đầu tư.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) – gọi tắt là dự án ngăn triều và dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa-Quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức cũ).

Theo đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của hai dự án nêu trên.

Đối với dự án ngăn triều, UBND TP.HCM được phép thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, đảm bảo tuân thủ Nghị quyết 98 của Quốc hội, các quy định pháp luật liên quan và Nghị quyết 40/NQ-CP của Chính phủ.

Dự án ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng do Trungnam Group thực hiện đứng trước cơ hội hồi sinh bằng Nghị quyết tháo gỡ của Chính phủ. Ảnh: TNG

Dự án ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng do Trungnam Group thực hiện đứng trước cơ hội hồi sinh bằng Nghị quyết tháo gỡ của Chính phủ. Ảnh: TNG

Đồng thời, nghị quyết nêu rõ, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện trong xác định giá đất cụ thể, tính tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất của các khu đất dùng để thanh toán, đúng theo quy định pháp luật đất đai.

Trong trường hợp giá trị quỹ đất thấp hơn giá trị công trình (sau khi đã loại bỏ các chi phí bất hợp lý), phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng vốn đầu tư công do TP.HCM quản lý.

Kiểm toán Nhà nước nhận trọng trách kiểm toán các dự án để làm cơ sở tổ chức thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác, tránh lãng phí.

Nghị quyết xác định, việc xử lý vướng mắc cả hai dự án (hình thức hợp đồng BT) cần đảm bảo một số nguyên tắc như: thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ xem xét, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan mà nguyên nhân dẫn đến vi phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do lỗi của cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư…

Đồng thời, thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc cấp nào thì cấp đó xử lý. Quá trình giải quyết phải bảo đảm kịp thời, khả thi, không hợp pháp hóa sai phạm.

Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 212 được coi như liều thuốc ‘tái sinh’ dự án ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng sau nhiều năm nằm yên chờ tháo gỡ những bất cập về thủ tục, thanh toán quỹ đất lẫn nguồn vốn đầu tư.

Đặc biệt, đây sẽ là cơ sở để Trungnam Group tiếp tục cuộc chơi BT với hai dự án trị giá 17 nghìn tỷ đồng đề xuất hồi đầu năm là cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 theo hợp đồng BT - cho thấy doanh nghiệp gửi trọn niềm tin, kỳ vọng vào Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng như Luật số 57/2024/QH15 (bổ sung nhiều quy định mới cho Luật PPP 2020 – được đánh giá là động lực giúp khối doanh nghiệp tư nhân mạnh bước vào sân chơi các dự án hạ tầng giao thông).

Nghị quyết 212 mới ban hành, đã đáp ứng gần như toàn diện kiến nghị và giải pháp UBND TP.HCM đưa ra để thực hiện gỡ vướng cho dự án.

Chừng 3 tháng trước, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, địa phương kiến nghị chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn , đề nghị BIDV xem xét miễn, giảm lãi vay phát sinh do chậm tiến độ vì lý do khách quan.

Về phương án thanh toán, Thành phố đề xuất được sử dụng 3 khu đất đã xác định trong hợp đồng BT để thanh toán tương ứng với phần giá trị dự án đã hoàn thành. Phần còn lại sẽ được thanh toán bằng tiền từ nguồn vốn đầu tư công.

Đối với khối lượng công việc dự án đã hoàn thành, kiểm toán, UBND TP.HCM đề nghị được thanh toán ngay bằng hơn 3.000 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Những đề xuất này của UBND TP.HCM, sau đó đã được Bộ Tài chính ủng hộ và đưa vào dự thảo Nghị quyết gỡ vướng dự án để trình Chính phủ.

Khởi công từ năm 2016, dự án ngăn triều do Trungnam Group làm nhà đầu tư BT có tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng nhưng phải tạm ngừng thi công từ tháng 11/2020 do vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, quỹ đất thanh toán cũng như bố trí vốn cũng như để chờ UBND TP. HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ pháp lý.

Tới tháng 4/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP, trong đó phần nội dung phương thức thanh toán chưa phù hợp trong hợp đồng BT được nêu rõ: “Vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND TP. HCM và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Dẫu vậy, gần 5 năm trôi qua, UBND TP. HCM vẫn chưa thực hiện điều chỉnh hợp đồng BT để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và trong các báo cáo gần đây vẫn đang kiến nghị Chính phủ nội dung đề xuất không phù hợp với Nghị quyết 40/NQ-CP.

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đề xuất phương án tháo gỡ dự án chống ngập với thời hạn cụ thể.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/du-an-chong-ngap-10000-ty-cua-trungnam-group-truoc-co-hoi-hoi-sinh-d41250.html