Xã biển 'cất cánh' cùng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
HNN - Từ ngày 16/6/2025, xã Chân Mây - Lăng Cô (CM‑LC) chính thức ra đời sau khi sáp nhập thị trấn Lăng Cô cùng ba xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến và Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũ. Đây được xem là bước ngoặt, động lực để xã CM-LC đầu tư phát triển cùng với khu kinh tế cùng tên.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển ở xã CM-LC
“Xã lớn” với tầm nhìn dài hạn
Xã CM‑LC ra đời không chỉ là sự hợp nhất trên bản đồ hành chính, mà còn là bước tái cấu trúc toàn diện về tổ chức, bộ máy cùng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - du lịch. Với quy mô rộng và dân số lớn, CM-LC được xem là xã hạt nhân trong chiến lược phát triển vùng miền Trung.
Ông Trần Văn Minh Quân, Chủ tịch UBND xã CM-LC chia sẻ, địa phương hiện có nhiều dự án (DA) lớn của TP. Huế đầu tư xây dựng; trong đó có các DA trọng điểm thuộc Khu kinh tế (KKT) CM-LC mang tính chiến lược, như: Cảng Chân Mây; khu lắp ráp sản xuất ô tô Kim Long Motor Huế; Trung tâm Logistics Chân Mây và các DA giao thông kết nối khu phi thuế quan với khu cảng Chân Mây, đường trục chính khu đô thị Chân Mây… Xã cũng đã đề xuất xem xét triển khai một số DA lớn, như đường ven đầm Lập An nối từ phía nam hầm Phú Gia đến điểm giao đường Nguyễn Văn - Quốc lộ 1A dài khoảng 5km; đường ven biển từ TDP Đồng Dương đến An Cư Tây 2 dài 4km; quy hoạch phát triển khu du lịch Hải Vân Quan; sắp xếp các khu dân cư; mở hướng khôi phục sản phẩm làng nghề đặc trưng để phát triển dịch vụ du lịch… Do đó, khối lượng công việc trước mắt xã CM-LC phải đảm đương khá lớn, nhất là trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Hàng hóa tấp nập qua cảng Chân Mây hiện nay
Quá trình triển khai các DA khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập... Vì vậy, UBND xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành liên quan, nhất là về những cơ chế chính sách có lợi cho dân. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là tổ chức vận hành bộ máy chính quyền mới ổn định, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, việc sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được xã ưu tiên hàng đầu.
Ông Trần Văn Minh Quân nói: “Chúng tôi lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, minh bạch quy trình, phục vụ tận tâm. Trung tâm Phục vụ hành chính công xã phải là nơi người dân cảm nhận rõ sự đồng hành, phục vụ, gần gũi của chính quyền với người dân”.
“Hạt nhân” tăng trưởng của thành phố
Với vị trí đặc biệt và vai trò chiến lược, xã CM-LC được định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh hiện đại, trung tâm thương mại - dịch vụ - logistics phục vụ trực tiếp cho trung tâm thành phố và khu vực miền Trung.
Tại xã CM-LC, DA Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor do Công ty CP Kim Long Motor Huế đầu tư với tổng nguồn vốn 25.660 tỷ đồng, trên diện tích đất khoảng 164ha, công suất khoảng 108.800 ô tô/năm, bao gồm lắp ráp, sản xuất ô tô các loại và động cơ, phụ kiện cho công nghiệp chế tạo ô tô. Đây là DA phát triển trong lĩnh công nghiệp lớn ở miền Trung, hiện đã giải quyết gần 3.000 lao động, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương. Hiện nay, Công ty CP Kim Long Motor Huế được chấp nhận chủ trương đầu tư DA nhà ở xã hội tại KKT CM-LC với diện tích 18.788m². DA này dự kiến xây dựng khoảng 898 căn hộ, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội cho đô thị Chân Mây trong những năm tới. Bên cạnh đó, nhiều DA lớn khác đang triển khai, như hoàn thiện các bến cảng Chân Mây theo quy hoạch quốc gia; trung tâm logistics, tạo ra hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch thương mại… trong khu vực này.
Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT CM-LC đến năm 2045, với mục tiêu phát triển thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư.
Theo đó, lãnh đạo thành phố đã có những bước đi quan trọng, xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất thu hút các DA đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng quy mô lớn, có thương hiệu để tiếp tục hình thành các mô hình phát triển công nghiệp mới, thu hút các DA sản xuất, kinh doanh xanh, sạch, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng hành với hướng đi này, không thể thiếu vai trò của chính quyền xã CM-LC.
Bên cạnh các DA lớn, xã cũng chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu: Nhà ở, trường học, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ… theo hướng hiện đại, bền vững. Chú trọng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường. Các quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái và dịch vụ được rà soát để phù hợp với định hướng phát triển chung của xã mới và thành phố.
Xã CM-LC hình thành không phải là phép cộng của 4 đơn vị hành chính cũ mà là một cuộc tái cấu trúc toàn diện về tổ chức, bộ máy và không gian phát triển. Nhiệm vụ đặt ra không dừng lại việc tổ chức lại chính quyền mà là kiến tạo một vùng đất có tầm vóc để “cất cánh” cùng thành phố đô thị di sản, văn hóa du lịch đặc trưng của Việt Nam.