Tiếp tục tháo gỡ cho dự án chống ngập 10.000 tỉ ở TP.HCM

Sau nhiều năm đình trệ, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sắp được tái khởi động nhờ Nghị quyết của Chính phủ, mở đường cho việc hoàn thành dự án trì trệ này.

Ngày 21-7, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Nghị quyết này được xem như bước "mở khóa", giúp các dự án thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những vướng mắc kéo dài và tiến tới đích một cách dứt điểm sau thời gian dài trì trệ.

 Dự án chống ngập 10.000 tỉ sắp được hồi sinh nhờ Nghị quyết mới. Ảnh: NN

Dự án chống ngập 10.000 tỉ sắp được hồi sinh nhờ Nghị quyết mới. Ảnh: NN

Theo đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; khơi thông các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực của xã hội, sớm đưa dự án vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, thất thoát. Chỉ xem xét, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan mà nguyên nhân dẫn đến vi phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do lỗi của cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.

Thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư thuộc cấp nào thì cấp đó xử lý. Quá trình giải quyết phải bảo đảm kịp thời, khả thi, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn khách quan; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản của Nhà nước; không hợp pháp hóa sai phạm, không để sai chồng sai...

Đồng thời, UBND TP.HCM quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình trong việc thực hiện theo đúng quy định việc lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án kể trên.

Về việc thanh toán cho nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ, UBND TP.HCM thanh toán cho nhà đầu tư dự án bằng quỹ đất, bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 98 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, quy định của pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1-4-2021 về việc tiếp tục triển khai dự án;

Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc xác định giá đất cụ thể, tính tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất của các khu đất dự kiến thanh toán, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị công trình (đã được rà soát, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định), phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền từ nguồn vốn đầu tư công do UBND TP.HCM quản lý.

 Dự án chống ngập khởi công từ năm 2016, đến nay đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Ảnh: NN

Dự án chống ngập khởi công từ năm 2016, đến nay đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Ảnh: NN

Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Các hạng mục nằm phơi nắng, phơi sương nhiều năm qua. Ảnh: NN

Các hạng mục nằm phơi nắng, phơi sương nhiều năm qua. Ảnh: NN

Theo ghi nhận của PLO, đến nay, các công trường dự án chống ngập 10.000 tỉ vẫn vắng bóng công nhân, máy móc thi công, mặc dù các cống đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng.

Dự án mắc kẹt bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm người dân trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận), đường Phú Định (phường Bình Đông),... mong dự án hoàn thành. Chị Phạm Thị Kim Sương, sinh sống trên đường Trần Xuân Soạn hy vọng dự án sớm được đưa vào sử dụng để người dân thoát khỏi cảnh sống ngập, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Cống ngăn triều Bến Nghé. Ảnh: NN

Cống ngăn triều Bến Nghé. Ảnh: NN

Ngược về phía Tây Nam TP, bên trong khu vực cống ngăn triều Cây Khô (xã Bình Hưng) vật liệu xây dựng, gạch đá, máy móc ngổn ngang. Tại khu vực nhà điều hành chỉ mới xây xong phần khung, các bức tường đã được phủ sơn. Sau nhiều năm đứng hình, khu nhà này hiện là nơi tập kết các vật liệu xây dựng, thùng sơn. Do không được bảo dưỡng, khu nhà cũng đã xuống cấp phần nào.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1), tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, khởi công từ năm 2016, đến nay đã hoàn thành hơn 90% khối lượng nhưng phải tạm dừng thi công từ tháng 11-2020 do vướng thủ tục pháp lý và bố trí vốn.

Tháng 9-2024, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng về kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án chống ngập 10.000 tỉ.

Cuối năm 2024, TP.HCM tiếp tục có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án này, ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc cho dự án.

Hồi tháng 2-2025, UBND TP.HCM cũng có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Sở ngành để gỡ vướng cho dự án này.

Sau đó, Bộ Tài chính được Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc giao phối hợp với UBND TP.HCM và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để làm rõ các nội dung về: nguyên tắc ngang giá, yêu cầu đấu giá đất, thời điểm giao đất và thời điểm tính giá đất trong trường hợp sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT.

Tháng 6-2025, Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ về Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiep-tuc-thao-go-cho-du-an-chong-ngap-10000-ti-o-tphcm-post861605.html