'Liều thuốc tăng lực' đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Gần hai năm qua, cả hệ thống chính trị nước ta đã cùng lao vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hình, cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhằm bù đắp những thiệt hại rất lớn trong thời gian qua và tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có thị trường bất động sản, Nhà nước đã phát huy vai trò quyết định nhất, thông qua việc ban hành các giải pháp đặc biệt để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, đồng thời kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đi đôi với đẩy mạnh đầu tư công các dự án kết cấu hạ tầng làm đòn bẩy cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, điển hình là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và nhất là Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cho phép: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị giảm so với năm 2019; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh trong quý III, quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân tại địa bàn cấp huyện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng trong hai tháng (11 và 12/2021) với mức giảm tùy thuộc phương pháp tính thuế, đối với nhiều loại hoạt động dịch vụ, trong đó có dịch vụ lưu trú, ăn uống có liên quan đến mua bán nhỏ của cá nhân, hộ gia đình. Mặt khác, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.
Với các chính sách trên đây thì Nhà nước giảm thu hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi vì có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh trong lúc dịch Covid-19 đã làm kiệt quệ tài chính. Quyết sách này cho thấy Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ và luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, người dân và như "liều thuốc tăng lực" giúp doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh khỏe mạnh hơn do chịu tác động của dịch Covid-19.
Các cơ chế, chính sách, giải pháp của Quốc hội và Chính phủ tăng cường thêm niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong thực hiện mục tiêu kép, nhất là trong giai đoạn hiện nay cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng ban hành hướng dẫn thực hiện thật đơn giản. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Nghị quyết chỉ áp dụng đến hết năm 2021 là quá ngắn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết đến hết ngày 30/6/2022, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ vừa ban hành.
Trên thực tế, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 gần như chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Qua lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi xin được chia sẻ không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế pháp luật, nhất là được tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thực thi pháp luật, cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất để giải quyết nhanh hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Với tinh thần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV lần này sẽ nghiên cứu, xem xét thông qua Luật sửa đổi một số điều của 10 luật để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, ổn định và bền vững.