Liệu Tổng thống Trump có đang 'bỏ quên' vấn đề hạt nhân của Triều Tiên
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump nối lại đối thoại với Nga nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine. Ông Trump thúc đẩy chính sách thuế quan đối ứng khắc nghiệt khiến cho cả thế giới 'chao đảo'. Ở Trung Đông, ông Trump sẵn sàng buông lời cảnh báo cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân Iran. Do đó, 'sự im lặng' của chính quyền Trump trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên được giới quan sát đặc biệt chú ý.

Ưu tiên xử lý các vấn đề “nóng”
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Khác với các chính quyền trước đó, ông Trump đã thực hiện một cách tiếp cận ngoại giao trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông đã có 2 cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018 và lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2/2019.
Kể từ khi lên nắm quyền nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump có đôi lần đề cập đến Triều Tiên, nói rằng ông có thể hòa hợp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đồng ý về một số vấn đề, nhưng chưa có hành động cụ thể nào so với các chương trình nghị sự khác.
Có 2 cách giải thích cho “sự im lặng” này của Chính quyền Tổng thống Trump. Đầu tiên, ông Trump muốn ngăn chặn các cuộc xung đột đang là tâm điểm trong chương trình nghị sự quốc tế và trở thành người mang lại hòa bình cho thế giới. Vấn đề Triều Tiên, cho dù bị “đẩy nóng”, thì cũng không còn là vấn đề mới. Từ năm 2017, truyền thông đã đưa tin về việc Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới Mỹ. Vào thời điểm đó, thông tin này có thể “gây sốc” cho cộng đồng quốc tế; song theo thời gian nó không còn thời sự nữa. Thay vào đó, có những “điểm nóng” mới mẻ, thú vị thu hút sự chú ý của thế giới. Hơn nữa, xét trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Triều Tiên cũng sẽ không tiến hành các vụ thử tên lửa ICBM gây chấn động, bởi điều này sẽ cần đến sự tham vấn từ Bắc Kinh và Moscow, những nước không ủng hộ ý tưởng như vậy.
Thứ hai, Tổng thống Trump cần một thành công nhanh chóng để chứng minh cho những cử tri lựa chọn ông trong cuộc bầu cử vừa qua là chính xác và khiến những người chống đối ông phải “câm lặng”. Ông muốn xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo mang lại các thỏa thuận hòa bình. Nhưng điều này sẽ không hiệu quả đối với Triều Tiên. Kể từ các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Singapore và Hà Nội, Triều Tiên đã cải thiện đáng kể vị thế đàm phán của mình. Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều đã mang đến cho nước này một đồng minh sẵn sàng giúp đỡ; tiềm năng hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng đã gia tăng đáng kể. Đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa
biên giới nhiều năm cho thấy Triều Tiên có thể đối phó hiệu quả với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và tồn tại trong tình trạng gần như bị cấm vận hoàn toàn trong một thời gian. Tất cả điều này có nghĩa là các biện pháp gây sức ép thông thường, đặc biệt là những lời đe dọa kiểu như ông Trump dành cho Iran mới đây, sẽ không có hiệu quả đối với Triều Tiên ngày nay.

Chính quyền Tổng thống Trump khó có thể tách rời Bình Nhưỡng khỏi hợp tác với Bắc Kinh và Moscow. Mặc dù còn có những nghi kỵ tồn tại trong tam giác Trung Quốc - Nga - Triều Tiên, song ba nước vẫn thể hiện sự đoàn kết trước những thách thức chung từ tam giác Mỹ - Nhật - Hàn.
Nhưng nếu “cây gậy” không có tác dụng, thì ông Trump có thể sử dụng “củ cà rốt” nào để có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên? Để Triều Tiên nhượng bộ, rõ ràng ông Trump phải đưa ra điều gì đó khác thường. Có những lựa chọn như vậy, ví dụ như sự công nhận thực tế về tình trạng hạt nhân của Triều Tiên trong khi vẫn có thể duy trì chế độ trừng phạt. Nhưng cả dư luận ở Mỹ lẫn “nhà nước ngầm” mà chính ông Trump từng nhiều lần công khai lên án sẽ không hoan nghênh những bước xuống thang như vậy. Đối với những người theo quan điểm truyền thống coi Triều Tiên là một thành viên của “trục ác ma”, bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Triều Tiên đều là điều không thể chấp nhận được. Các cuộc đàm phán sẽ bị coi là “sự đầu hàng”, và nếu ông Trump làm khác, những nỗ lực của ông sẽ bị chính những thân cận của ông phá hoại, giống như những gì mà John Bolton và các cộng sự đã làm với chính ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Vì vậy, Triều Tiên sẽ khó mang lại cho Tổng thống Trump một thành công tốt đẹp. Có thể, các bên sẽ xúc tiến các cuộc gặp thượng đỉnh và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng bài học lịch sử cho thấy rằng, điều quan trọng nhất là nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được hưởng lợi trước hết từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ngay cả khi các bên bắt tay nhau và nói về một vấn đề nào đó không phải là hạt nhân.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay
Trên thực tế, Tổng thống Trump đang lựa chọn giải quyết những vấn đề có thể mang lại cho ông những kết quả nhanh chóng, nhưng mọi chuyện có vẻ như diễn ra không theo ý muốn của ông. Cả cuộc xung đột Nga - Ukraine và vấn đề hạt nhân của Iran đang gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng so với vấn đề Triều Tiên, rõ ràng giải quyết hai vấn đề trên vẫn khả thi hơn, nên có thể Tổng thống Trump và ê-kíp hoãn giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và tập trung vào các lĩnh vực có lợi nhuận hơn.
Mặc dù, đâu đó truyền thông phương Tây có xu hướng phóng đaịo rằng “Bán đảo Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh” và có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhưng nhiều ý kiến nhận định, khả năng xảy ra xung đột ở Bán đảo Triều Tiên thậm chí còn thấp hơn so với các “điểm nóng” khác ở châu Á - Thái Bình Dương, điển hình như xung quanh eo biển Đài Loan.
Tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên có những nét tương đồng với sự bế tắc giữa Liên Xô và Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, khi các bên chạy đua vũ trang, biểu dương lực lượng, đe dọa lẫn nhau, nhưng không dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa các siêu cường, vì không bên nào sẵn sàng cho những thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra.
Hiện nay cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có các hiệp ước hỗ trợ quân sự với các cường quốc hạt nhân, và nếu một trong các bên bị tấn công, Nga, Trung Quốc hay Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình với bên còn lại, sau đó xung đột cục bộ sẽ ngay lập tức chuyển thành xung đột khu vực với nguy cơ chiến tranh hạt nhân cao. Một cuộc xung đột cục bộ nhằm tiêu diệt một trong các bên cũng không thể xảy ra nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân. Quân đội Triều Tiên cần phải vô hiệu hóa hệ thống hậu cần của đối phương, bao gồm các cảng lớn nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân, Triều Tiên không thể tiêu diệt các mục tiêu quân sự trên một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại, Hàn Quốc và các đồng minh phải phá hủy mạng lưới ngầm các nhà máy quân sự, bãi phóng và trung tâm đầu não của đối phương, cũng cần đến vũ khí hạt nhân. Điều này giải thích lý do tại sao ở cả Bình Nhưỡng và Seoul đều có những con người thực dụng đang chuẩn bị cho chiến tranh và nghiên cứu các biến thể của nó, nhưng đều không mong muốn kịch bản một cuộc chiến tranh xảy ra.
Việc làm thay đổi cán cân lực lượng trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay không có lợi cho Mỹ. "Đẩy nóng” tình hình, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh ở Triều Tiên có thể khiến Mỹ mất mát nhiều hơn lợi ích thu được. Rõ ràng, Tổng thống Trump sẽ không mạo hiểm để tìm kiếm “chiến thắng” trong vấn đề này.