Liệu Venezuela có thể khôi phục lại hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ?

Theo mạng tin BBC Mundo, vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) từng được xem là một trong hai công ty dầu khí quan trọng nhất thế giới.

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào thời điểm đó, với sản lượng gần 3 triệu thùng/ngày, PDVSA là đối thủ cạnh tranh với tập đoàn hùng mạnh Aramco của Saudi Arabia và nổi bật hơn rất nhiều so với các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp dầu khí thế giới như ExxonMobil, BP và Royal Dutch-Shell.

Tuy nhiên, giờ đây PDVSA chỉ còn là một cái tên khiến nhiều người tiếc nuối và một cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng.

Bộ trưởng Dầu khí Venezuela Tarek El Aissami cho biết, sản lượng trung bình 400.000 thùng/ngày mà ngành dầu khí nước này sản xuất trong năm 2020 chỉ tương đương với mức đã đạt được trong những năm 1930, đồng thời cho rằng sự lao dốc của ngành dầu khí một phần là do "sự phá hoại từ bên trong của những tên tội phạm lọt vào đội ngũ cán bộ trong ngành dầu khí".

* Cần kích hoạt lại các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí

Từ lâu nay, ngay cả Chính phủ Venezuela cũng phải thừa nhận có tình trạng tham nhũng trong ngành dầu khí ở các cấp độ khác nhau. Phe đối lập và các chuyên gia từng nhiều lần đề cập tới phương thức quản lý doanh nghiệp yếu kém của tập đoàn luôn được coi là xương sống của nền kinh tế Venezuela.

Việc ngành công nghiệp dầu khí lao dốc trong những năm qua được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng do 95% nguồn thu ngoại tệ của quốc gia Nam Mỹ này đến từ các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng con đường duy nhất để đưa Venezuela ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là kích hoạt trở lại các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. Cách đây ít lâu, Bộ trưởng El Aissami đã cam kết sẽ cố gắng tăng sản lượng dầu khai thác lên 1,5 triệu thùng/ngày, cho dù mới chỉ bằng một nửa sản lượng so với cách đây 2 thập kỷ thì đây vẫn là một nguồn thu quan trọng đối với Venezuela.

Một ví dụ được đưa ra là trong trường hợp các hoạt động suôn sẻ và mục tiêu 1,5 triệu thùng/ngày được hoàn thành thì ngân sách của nhà nước Venezuela có thể thu về khoảng 100 triệu USD/ngày.

Tuy nhiên, việc khôi phục sức mạnh của ngành dầu khí không phải là một bài toán dễ dàng và nhanh chóng đối với Chính phủ Venezuela hiện nay.

Theo báo cáo của Viện Baker thuộc trường Đại học William Marsh Rice, Venezuela có thể tăng sản lượng lên mức 1 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn và khôi phục mức 2,5-3 triệu/ngày thùng trong ít nhất là một thập kỷ nữa nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Để đạt được mục tiêu này, trước tiên Venezuela cần một nguồn đầu tư trên 10 tỷ USD/năm, một mục tiêu rất khó có thể đạt được nếu quan sát kỹ bối cảnh chính trị và thể chế hiện nay ở quốc gia Nam Mỹ.

Mặc dù ngày nay, rất nhiều nước đang chuẩn bị hướng tới một thời kỳ chuyển đổi năng lượng và ít người nghĩ tới sự trở lại của "thời kỳ vàng kim của nhiên liệu hóa thạch", song theo ý kiến của chuyên gia về chính sách năng lượng Mỹ Latinh Francisco Monaldi thì cơ hội lớn nhất của Venezuela để khôi phục nên kinh tế chỉ có thể là tái khởi động ngành công nghiệp dầu khí, vì nước này có một nguồn trữ lượng cực lớn song do phương thức điều hành yếu kém của chính phủ đã khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Nợ công hiện nay của Venezuela vào khoảng gần 140 tỷ USD và tập đoàn PDVSA đã từng bị tuyên bố không có khả năng trả nợ vào năm 2017. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư khôi phục ngành dầu khí rất khó đến từ nguồn vốn của chính PDVSA hoặc ngân sách nhà nước và vì vậy phải phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư từ lĩnh vực tư nhân.

Có lẽ mục tiêu 1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn một sẽ không quá khó khăn do Venezuela vẫn có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện việc này. Dù các cơ sở khai thác, sản xuất dầu khí đã xuống cấp so với cách đây 2 năm - khi nước này vẫn khai thác khoảng 1,3 triệu thùng/ngày - song vẫn đủ điều kiện để hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu đưa sản lượng lên mức 3 triệu thùng trong những năm tới là vô cùng khó khăn.

Nhà máy lọc dầu Isla ở Curacao, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy lọc dầu Isla ở Curacao, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN

* Những rào cản lớn nhất

Ông Monaldi chỉ ra ba rào cản lớn đối với Venezuela trong kế hoạch thu hút nguồn đầu tư cần thiết để khôi phục hoạt động của ngành dầu khí. Thứ nhất, khuôn khổ thể chế và pháp lý khiến việc đầu tư vào Venezuela không thực sự hấp dẫn vì nó buộc nhà đầu tư phải chuyển tiền cho PDVSA để tập đoàn này là bên điều hành các công ty liên doanh và đó là cách duy nhất để tham gia đầu tư tại Venezuela.

Vào giữa thập kỷ 2000, Chính phủ của cố Tổng thống Hugo Chávez đã quyết định xóa bỏ mô hình cũ được gọi là "thỏa thuận hoạt động" và buộc các công ty xuyên quốc gia liên kết với PDVSA trong các liên doanh, trong đó công ty dầu khí nhà nước PDVSA sẽ luôn nắm giữ phần lớn cổ phần.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong tình hình mới. Trong nỗ lực nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích vốn tư nhân và giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, sự ra đời của đạo luật Chống phong tỏa năm 2020 cho phép chính phủ mở cửa thị trường dầu mỏ. Các đối tác như Trung Quốc, Nga và Iran có thể sẽ tham gia giúp đỡ trong lĩnh vực năng lượng của Venezuela.

Rào cản thứ hai đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí của Venezuela là sự thiếu niềm tin vào Chính phủ Venezuela hiện tại. Chính phủ đã luôn bị cáo buộc "hủy hoại" những thành tựu mà Venezuela đã đạt được trong lĩnh vực này, cũng như từ bỏ nhiều hợp đồng đã ký với các công ty.

Cuối cùng chính là các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với ngành dầu khí Venezuela, khiến cho nhiều công ty của Mỹ không thể đầu tư vào quốc gia Nam Mỹ này, trong khi các công ty nước ngoài khác cũng gặp vô vàn khó khăn nếu thực sự muốn đổ vốn vào Venezuela.

Chuyên gia kinh tế Luis Oliveros nhận định, có thể một số công ty của các nước đồng minh sẽ đầu tư vào các dự án dầu khí ở Venezuela, song điều này là chưa đủ bởi nếu muốn khôi phục sản lượng về những mốc trong thời kỳ hoàng kim trước đây, cần phải có sự tham gia của các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ. Thậm chí, ông Oliveros còn cho rằng cam kết khôi phục mức 1,5 triệu/thùng ngày của Bộ trưởng El Aissami là quá tham vọng và không thực tế.

Ông cho rằng Venezuela không chỉ cần một sự nới lỏng trong các biện pháp trừng phạt mà cả một "cú hích" về đầu tư rất lớn để có thể đảo ngược sự xuống cấp trong lĩnh vực này và điều đó không thể thực hiện trong vài tháng mà ít nhất phải trên 1 năm.

Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt cũng ngăn cản việc tiếp cận thị trường và vì vậy cuối cùng PDVSA sẽ buộc phải thực hiện các hình thức trao đổi với các đồng minh hoặc bán sản phẩm dầu mỏ của mình với mức giá rẻ hơn so với thị trường.

Rõ ràng, ngành dầu khí Venezuela đang ở một thời điểm cực kỳ khó khăn và nếu không có sự thay đổi triệt để về phương thức quản lý, nguồn nhân lực và cấu trúc hoạt động thì sẽ không tìm lại được "ánh hào quang" trong quá khứ và đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế./.

Hoài Nam (TTXVN tại Buenos Aires)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lieu-venezuela-co-the-khoi-phuc-lai-hoat-dong-cua-nganh-cong-nghiep-dau-mo/192663.html