Liệu Việt Nam có lọt vào 'tầm ngắm' của chính sách bảo hộ thương mại chính quyền Trump 2.0?

Theo các chuyên gia, chính quyền mới của Tổng thổng Trump hứa hẹn sẽ đưa ra những chính sách có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông, chuỗi cung ứng toàn cầu được dự báo sẽ có những dịch chuyển đáng kể. Việt Nam sẽ được hưởng lợi hay có thể lọt vào 'tầm ngắm' của chính sách bảo hộ thương mại dưới thời chính quyền Trump 2.0?

Hàng hóa từ Việt Nam có thể sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể

Ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025. Cùng với đó là cam kết tái thúc đẩy chính sách bảo hộ thương mại với trọng tâm là đẩy mạnh làn sóng thuế quan mới nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, tiếp nối chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Trump 1.0 đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021).

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump. Ảnh minh họa

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump. Ảnh minh họa

Bình luận về điều này, PGS.TS Phạm Thị Thu Trà - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính, Khoa Kinh doanh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, không thể bỏ qua những thách thức mà xu hướng bảo hộ thương mại và các chính sách của chính quyền Trump sẽ mang lại.

Theo bà, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã từng trở thành tâm điểm của các hoạt động chuyển giao trái phép khi một số công ty dán nhãn “Made in Vietnam” lên hàng hóa Trung Quốc để tránh thuế của ông Trump vào năm 2019.

Theo chương trình nghị sự công bố trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đề xuất tăng thuế quan lên tới 20% với toàn bộ hàng nhập khẩu, riêng hàng Trung Quốc áp thuế 60%. Những động thái này được dự báo sẽ gây tác động lớn tới thương mại toàn cầu, đẩy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên một tầm cao mới.

Hiện có nhiều lo ngại rằng, với quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, các quốc gia và doanh nghiệp có đầu tư lớn từ Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cũng có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại.

Cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gần 70 tỷ USD, hiện nay mức thâm hụt thương mại này còn cao hơn trước, hiện đã đạt 86,2 tỷ USD cho 10 tháng đầu năm nay. So với các tổng thống trước, ông Trump có thể sẽ đối xử khắt khe hơn với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, với một phiên bản “Nước Mỹ trên hết” còn mạnh tay hơn lần trước.

Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lại cho rằng, bây giờ còn quá sớm để nói về tác động cụ thể của xu hướng bảo hộ thương mại và các chính sách của chính quyền Trump Trump 2.0 với Việt Nam.

“Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump có nói sẽ đánh thuế 20% với tất cả các hàng nhập khẩu và với Trung Quốc là 60%. Tuy nhiên, thực tế chính quyền Trump sắp tới có làm việc đó không lại là chuyện khác. Đó chỉ là yếu tố bất định. Hiện tại chỉ có thể nói những tuyên bố về bảo hộ thương mại của Trump là bất định và là yếu tố rủi ro, chưa thể khẳng định chắc chắn có thể xảy ra hay không. Điều này còn phụ thuộc vào việc chính quyền Trump sẽ áp thuế này với những nước nào” - ông Hùng phân tích.

Cơ hội cho Việt Nam ở đâu?

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà, nếu chính quyền Trump 2.0 thực thi những điều đã cam kết như trong tranh cử thì thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất về nước hoặc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi. Ảnh minh họa

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị khiến chi phí giao dịch và vận chuyển gia tăng, Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) cùng với Ấn Độ đang trở thành những điểm đến thay thế quan trọng. Các nước này không chỉ là thị trường lớn mà còn có chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.

Vị chuyên gia của Đại học RMIT khẳng định, Việt Nam đặc biệt hấp dẫn nhờ chi phí lao động còn thấp và chính sách mở, thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tương tự, Ấn Độ có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ và cả lao động tay nghề cao, đáp ứng tốt các chuỗi giá trị cao trong lĩnh vực điện tử và dịch vụ.

Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam. Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế.

Những cơ hội lớn bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các kỹ năng, phương pháp quản lý tiên tiến và khai thác các cơ hội sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ thêm về điều này, vị chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, giả sử chính quyền Trump sắp tới áp mức thuế quan 60% với hàng hóa từ Trung Quốc thật như tuyên bố trong chiến dịch tranh cử thì theo nhận định của giới phân tích quốc tế, điều này sẽ có lợi cho những nước như Việt Nam, bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc sẽ “chạy sang” để “xuất khẩu nhờ”. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm trong trường hợp này là nếu Mỹ nhìn ra việc Việt Nam là nước xuất siêu lớn vào Mỹ nhưng chỉ chịu mức thuế 10-20% thì lúc đó Việt Nam có thể trở thành đối tượng “tầm ngắm” trực tiếp của chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Vì vậy, theo ông Hùng, việc đầu tiên Việt Nam cần làm là tránh bị đưa vào “tầm ngắm”, tránh bị áp các biện pháp trừng phạt. Việt Nam cần theo dõi xem ông Trump sẽ định làm chính sách đến đâu và lúc đó cần có những vận động để tránh rủi ro này.

“Nhìn chung, sẽ có cả mặt thuận lợi và tiêu cực cho Việt Nam khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Cho đến giờ này, giới phân tích quốc tế vẫn đang mặc định là chỉ có 60% áp cho Trung Quốc là mang tính phân biệt đối xử, còn mức 10-20% cho tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ thì không là phân biệt đối xử với Việt Nam. Khi Việt Nam không bị phân biệt đối xử thì Việt Nam vẫn là nước được hưởng lợi” - ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Theo số liệu cập nhật mới đây của Tổng cục Thống kê, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng của năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch thương mại 2 chiều của cả năm ngoái. Trong đó, tăng mạnh mẽ hơn cả ở chiều xuất khẩu với kim ngạch gần 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lieu-viet-nam-co-lot-vao-tam-ngam-cua-chinh-sach-bao-ho-thuong-mai-chinh-quyen-trump-20-163744.html