Lĩnh án tù vì vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Bị cáo Triệu Văn Lưu và Triệu Văn Tuấn lĩnh án tù vì đã vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) chặt hạ 1 cây gỗ Trai lý xẻ thành tấm, chuyển về lán trại của Lưu.
Ngày 25/5, tại Ủy ban Nhân dân xã Đồng Sơn, Tòa án Nhân dân huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa được truyền thanh trực tiếp trên địa bàn xã Đồng Sơn và trực tuyến đến Ủy ban Nhân dân 16 xã trên địa bàn huyện.
Theo cáo trạng, ngày 28/12/2022, Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Đồng Sơn tổ chức tuần tra, kiểm soát tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, phát hiện tại Tiểu khu 267 thuộc đồi Trò (suối Cụt), khu Bến Thân, xã Đồng Sơn có 1 gốc cây trai lý bị chặt hạ và đã xẻ, để lại hiện trường phần ngọn, cành và gốc, phần thân gỗ đã chuyển đi nơi khác.
Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Công an huyện Tân Sơn thu giữ tại lán trại khu vực đồi Trò của Triệu Văn Lưu (sinh năm 1964 trú tại khu Bến Thân, xã Đồng Sơn) có 9 tấm gỗ đã xẻ.
Tại cơ quan Công an, Triệu Văn Lưu khai nhận, vào cuối tháng 9/2022 do có nhu cầu làm nhà, Lưu đã gặp Triệu Văn Tuấn (sinh năm 1971 cùng trú tại khu Bến Thân) thống nhất vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn chặt hạ 1 cây gỗ Trai lý xẻ thành tấm, chuyển về lán trại của Lưu với số tiền công là 500.000 đồng.
Gỗ trai lý là thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm II A. Hành vi trên của Triệu Văn Lưu và Triệu Văn Tuấn bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Sơn truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, trước những chứng cứ xác đáng mà Hội đồng xét xử đưa ra, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Tòa án Nhân dân huyện Tân Sơn đã tuyên phạt bị cáo Triệu Văn Lưu 12 tháng tù giam, Triệu Văn Tuấn 9 tháng tù giam.
Đồng Sơn là xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn nên việc bảo vệ rừng cần có sự chung tay của người dân và cộng đồng.
Phiên tòa xét xử lưu động đã thu hút sự quan tâm của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua phiên tòa, Hội đồng xét xử đã phối hợp tuyên truyền về pháp luật và ý thức bảo vệ rừng đến người dân địa phương./.