Lính biên phòng trong lòng dân bản
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Điện Biên còn tích cực tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Sự đồng hành của các anh đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng biên giới ổn định, vững mạnh.
Những người lính làm tròn “2 vai”
Khi đến với các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên), điều dễ dàng cảm nhận đó là nhịp sống thanh bình, phát triển trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Những đồng lúa trĩu hạt, luống rau xanh mướt; đàn bò, lợn béo tròn… Tình hình an ninh khu vực biên giới ổn định, bà con đoàn kết, yên tâm lao động, sản xuất và phát triển, làm phong phú đời sống tinh thần. Lãnh đạo và nhân dân các xã đều khẳng định cuộc sống bình yên, phát triển đó có phần công sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông.
Là cán bộ biên phòng tăng cường cho cấp ủy địa phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông, Trần Ngọc Dũng cho biết: Ngay từ buổi đầu nhận nhiệm vụ, bản thân xác định phải gần dân, hiểu dân, tận tụy với công việc thì mới nhận được sự tin yêu, giúp đỡ của bà con. Tôi tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Trong đó có nhiều chương trình phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được xây dựng với mục tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai và phân công tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tín nhiệm bộ đội mang quân hàm xanh, nhiều người dân gặp gỡ các anh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng giúp họ tháo gỡ khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống. Đơn cử như gia đình bà Cà Thị Hoa, bản Nghịu, xã Thanh Luông nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống đi vào ổn định.
Bà Hoa chia sẻ: Do chồng mất, con đi làm ăn xa, một mình phải quán xuyến toàn bộ công việc đồng áng, chăn nuôi nên rất vất vả. Bà cảm thấy mình may mắn, khi đã được bộ đội biên phòng thường xuyên hỗ trợ tư liệu sản xuất; giúp thu hoạch mùa vụ. Sự giúp đỡ không chỉ giảm bớt gánh nặng mà tạo thêm nguồn động lực để bà nỗ lực cố gắng vươn lên.
Chị Lò Thị Biên, Trưởng bản Nghịu cho biết: “Đồn Biên phòng Thanh Luông thật sự là điểm tựa của dân bản. Có các anh quan tâm hỗ trợ sinh kế, tuyên truyền vận động, tệ nạn ma túy dần được đẩy lùi, đời sống bà con ngày một khấm khá. Bản có 94 hộ, 416 nhân khẩu và hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, nhiều năm không còn hộ đói”.
Hiện nay lực lượng BĐBP tỉnh có 4 cán bộ được cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 29 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, 83 đảng viên của các đồn biên phòng thường xuyên sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản biên giới; 430 đảng viên các đồn phụ trách trên 1.600 hộ nghèo. Đây là lực lượng nòng cốt nắm bắt tình hình, tuyên truyền pháp luật, vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, phát huy bản sắc văn hóa, góp sức củng cố cơ sở chính trị ở địa phương, xây dựng cuộc sống no ấm.
Đồng hành cùng dân bản
Đóng chân trên địa bàn xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ), Đồn Biên phòng Nậm Nhừ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài 17km, với 6 mốc giới (từ mốc 41 đến mốc 46) tiếp giáp nước CHDCND Lào. Địa bàn quản lý bao gồm 2 xã: Nậm Nhừ và Nà Khoa. Đây là 2 xã nghèo, khó khăn bậc nhất của huyện Nậm Pồ.
Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Chính trị viên đồn Nậm Nhừ cho biết: “Chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ cũng như tình hình thực tế địa bàn để xây dựng kế hoạch phù hợp. Để biên cương vững, thì lòng dân phải yên, cuộc sống bà con phải no ấm. Vì thế, cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn nỗ lực từng ngày, vượt lên mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Với phương châm đó, những người lính biên phòng thường xuyên có mặt tại địa bàn để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con. Xác định công tác xóa đói giảm nghèo đóng vai trò quan trọng, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tham mưu, đồng hành cùng địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất thiết thực. Đặc biệt là vận động Nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhiều diện tích đất đồi bạc màu, canh tác kém hiệu quả đã được chuyển đổi thành công sang trồng: quế, sa nhân…
Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ cho biết: “Hiện nay xã vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt là các điều kiện về hạ tầng phục vụ đời sống. Tuy nhiên, với sự đồng hành của lực lượng BĐBP, bà con địa phương đang nỗ lực vươn lên; đặc biệt là sự thay đổi đáng kể trong tư duy, ý thức. Nhiều hộ đã tự giác cập nhật cái hay, cái mới trong lao động, sản xuất; chủ động, tích cực tham gia cùng BĐBP tu sửa, khắc phục giao thông, thủy lợi, nhà cửa hư hỏng. Chúng tôi tin tưởng vài năm tới biên giới Nậm Nhừ sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi tích cực.”
Với người dân các bản nghèo nơi biên giới, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ BĐBP tận tình hướng dẫn họ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp làm nhà, làm đường, hay đơn giản là những lần đến bản thăm hỏi, động viên đã vô cùng quen thuộc. Các anh đến bản, dân bản coi các anh như người thân đi xa về và trong cách nói chuyện thật gần gũi thân mật, người già trong bản đều gọi các anh là con. Có lẽ vì thế mà tình quân - dân địa bàn biên giới ngày qua ngày lại càng thêm gắn bó, sâu nặng, làm nên một dải biên cương vững chắc, no ấm.
Bằng nhiều chương trình, dự án thiết thực, 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ trên 27 tấn gạo cho hộ nghèo biên giới và tham gia trên 12.300 ngày công giúp dân lao động, sản xuất; phối hợp làm và sửa hơn 500km đường thôn bản, kênh mương thủy lợi; giúp dân sửa chữa làm mới 366 căn nhà, 13 cây cầu; giúp 885 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo… Ngoài ra, tuyên truyền, vận động và xây dựng được 188 bản văn hóa, với trên 18.100 hộ gia đình văn hóa ở khu vực biên giới. Đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh đã có 6 xã đạt chuẩn và 8 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, 258/299 thôn, bản thuộc 29 xã có sóng điện thoại di động; 263/299 thôn, bản có nước sạch nông thôn.