Lính cứu nạn cứu hộ kể chuyện

Nhận nhiệm vụ là lên đường, bất kể ngày đêm, những người lính cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh luôn nỗ lực hết mình, vượt qua nhiều nguy hiểm, khó khăn, quyết tâm đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn. Những câu chuyện buồn, vui được người lính cứu nạn cứu hộ kể lại sau đợt lũ lịch sử tại địa bàn Quảng Trị khiến chúng ta càng thêm cảm phục, trân trọng và yêu quý công việc vừa qua.

 Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và CNCH giúp dân trong mưa lũ -Ảnh: D.T

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và CNCH giúp dân trong mưa lũ -Ảnh: D.T

Chỉ còn vài tháng nữa là Trung tá Hoàng Văn Cần, Đội phó đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực Đông Hà, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và CNCH, Công an tỉnh nhận quyết định nghỉ chờ hưu sau gần 40 năm gắn bó với công việc này. Vậy mà khi có lệnh lên đường thực hiện nhiệm vụ CNCH người dân vùng ngập lụt, anh lập tức xung phong. Trong 5 trận lũ xảy ra, không khó để gặp “người lính già” này có mặt ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Lúc thì anh lái xe cứu hộ tại vùng lũ Thanh An, Cam Lộ, lúc lại gặp anh ở vùng trũng Hải Lâm, Hải Lăng. Ở anh luôn có sự năng động, nhiệt tình không khác gì những người lính cứu nạn cứu hộ trẻ tuổi. Vậy nên Trung tá Trần Văn Cần có rất nhiều kỷ niệm về nghề đáng nhớ này.

Anh chia sẻ một trong những câu chuyện của mình: “Ấy là vào đêm 18/10/2020, khi đợt lũ thứ 5 xảy ra, lúc đó đã là 23 giờ ngày 18/10/2020, tổ công tác cứu nạn cứu hộ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và CNCH chuẩn bị thu hồi phương tiện, lực lượng trở về đơn vị thì được tin báo có 1 gia đình vẫn còn mắc kẹt trong vùng lũ. Anh em trong tổ công tác lập tức quay lại. Khi vào đến vị trí được chỉ dẫn, gọi mãi không nghe tiếng trả lời, lực lượng cứu hộ phá cửa vào nhà thì thấy bên trong có chị Hồ Thị Anh, 29 tuổi, đang bồng con nhỏ mới sinh 7 ngày tuổi; 2 cháu nhỏ 4 tuổi, 6 tuổi và bố mẹ chồng chị Anh đều đã hơn 70 tuổi. Chồng chị Anh là bộ đội công tác tại Kho A38 thuộc Tổng cục Kim khí, Bộ Quốc phòng nên không thể về giúp gia đình chạy lũ được. Cả gia đình đã kê 2 chiếc giường và ghế để ngồi nhưng nước càng ngày càng dâng cao, khi tôi cùng đồng đội vào thì nước đã mấp mé đến chiếc giường phía trên. Được lực lượng cứu nạn cứu hộ kịp thời đưa đến nơi an toàn, cả gia đình rất mừng bởi chỉ vài tiếng đồng hồ sau ngôi nhà đã ngập tới tận nóc”.

Đại úy Đoàn Thanh Tú, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và CNCH, Công an tỉnh có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Anh say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trong mùa lũ lụt năm nay mà với anh đó là những trải nghiệm quý giá để giúp anh và đồng đội có thêm kinh nghiệm, sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình công tác.

Với Đại úy Đoàn Thanh Tú, kỷ niệm lớn nhất là lần cứu nạn trong đợt lũ thứ nhất vào ngày 9/10/2020. Tổ công tác của anh gồm 15 cán bộ chiến sĩ nhận lệnh tham gia cứu nạn cứu hộ tại thôn Phước Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Địa hình ở đây có nhiều vật cản, nước chảy xiết, nhiều nhà ngập sâu trên 2 m, tài sản của người dân đều đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Lực lượng cứu hộ phải sử dụng xuồng cao su không có động cơ để cứu nạn. Những nhà dân ở cuối xóm, anh em phải bơi vào để giúp đỡ người dân kê cao đồ đạc, chuyển gia súc, gia cầm lên vị trí an toàn trước khi rời khỏi nhà.

Có những người dân khi gặp được lực lượng cứu hộ bật khóc vì vui mừng. “Ấn tượng nhất là có ông cụ nhà ngập sâu, đồ đạc trong nhà chìm trong nước nhưng vẫn vui vẻ khi gặp được lực lượng cứu hộ: “Các cháu đưa bác đến nơi cao an toàn là hạnh phúc lắm rồi, của cải có thể làm lại được…”, sự lạc quan trong nghịch cảnh của người dân vùng rốn lũ như tiếp thêm động lực cho chúng tôi”, Đại úy Đoàn Thanh Tú chia sẻ.

Sau khi đưa được 23 người dân thôn Phước Lâm ra đến nơi an toàn, tổ công tác của Đại úy Đoàn Thanh Tú tiếp tục nhận lệnh lên đường cứu hộ tại phường Đông Lễ, TP. Đông Hà. “Tổ công tác chúng tôi phải dùng xuồng cao su, lội bộ hơn 2 km mới vào đến chùa Lập Thạch, phường Đông Lễ. Khi vào đến chùa, nước đã ngập sâu hơn 1 m, có 7 chú tiểu đang bị mắc kẹt ở đây. Có chú ôm lấy cột đình, có chú ngồi lên bàn cao để chờ lực lượng cứu hộ. Khi trở ra, gió to, trời tối, đồng mênh mông nước, sóng lớn, cán bộ, chiến sĩ cứu nạn phải ghìm thuyền bằng cách đặt lên vai để tăng độ bám giúp dễ di chuyển, tìm đường bằng cảm giác ở chân. Các chú tiểu còn nhỏ nên sợ nước, có chú thì say sóng, mệt mỏi, anh em trong tổ công tác phải động viên, trấn an tinh thần. Chúng tôi dùng những câu nói vui, những bài hát để xua tan cảm giác mệt mỏi, căng thẳng và động viên tinh thần cho người dân trong vùng ngập lụt”, Đại úy Đoàn Thanh Tú kể.

Còn với Hạ sĩ Nguyễn Văn Thuấn, chiến sĩ nghĩa vụ tham gia công tác trong lực lượng Công an thì đây là lần đầu tiên anh tham gia công tác cứu nạn cứu hộ trong lũ lụt. Cảm giác lo lắng ban đầu trước mênh mông biển nước đã dần xua tan khi anh cùng đồng đội đưa được những người dân đến nơi an toàn. Những trải nghiệm trong lần được trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ giúp anh có thêm động lực để theo đuổi ước mơ trở thành người lính Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp trong tương lai.

Thuấn kể cho chúng tôi kỷ niệm về chuyến cứu nạn cụ ông đã gần 80 tuổi ở xã Thanh An. “Ngày 8/10/2020, tổ công tác cứu nạn cứu hộ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại địa bàn thôn Phú Ngạn, xã Thanh An. Sau khi đã sơ tán gần 70 người dân quanh khu vực cửa hàng xăng dầu Việt Lào, khu vực ngã tư Sòng, thì có tin báo có một cụ ông bị mắc kẹt cùng 2 con bò trên cồn nổi giữa cánh đồng mênh mông nước. Lúc đó, các đồng chí trong tổ công tác lập tức đưa xuồng ra vị trí của ông cụ để đưa ông vào nơi an toàn nhưng ông nhất quyết không chịu đi. Hỏi ra mới hay ông muốn ở lại cầm cự để giữ bằng được 2 con bò (tài sản quý giá nhất của gia đình ông). Lúc đó, tôi được phân công ở lại giữ giúp ông con bò mẹ, còn các đồng chí khác đưa ông và con bò con lên xuồng cao su để vào chỗ an toàn. Chỉ như vậy, cụ ông mới chịu hợp tác với lực lượng cứu nạn cứu hộ”.

Hơn 400 người dân trong đó chủ yếu là người già, trẻ em, người đau ốm, bệnh tật được cứu hộ đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua là sự nỗ lực hết mình của những người lính cứu nạn cứu hộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và CNCH Công an tỉnh Quảng Trị. Những cái bắt tay ấm nồng, ánh mắt yêu thương và những lời nhắn nhủ, biết ơn của người dân vùng lũ là động lực để họ tiếp tục lên đường với “mệnh lệnh từ trái tim”.

Diệu Thúy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153424