Lính dù Nga có mặt tại Kazakhstan, biểu tình đang được dập tắt
Hàng chục người biểu tình đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Kazakhstan, khi quân đội từ một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu đã xuất hiện để giúp dập tắt tình trạng bất ổn.
Nhiều người đã thiệt mạng
Cảnh sát ở Almaty cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục kẻ bạo loạn từ đêm đến rạng sáng thứ Năm. Các nhà chức trách cũng cho biết ít nhất 18 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng, trong đó có hai người được tìm thấy ở tình trạng bị chặt đầu.
Các lực lượng an ninh và quân đội đã xuất hiện nhằm dập tắt biểu tình tại Kazakhstan
Có hơn 1.000 người khác ở các khu vực khác nhau bị thương do tình trạng hỗn loạn. Trong số này, gần 400 người phải nhập viện, với 62 người đang được chăm sóc đặc biệt, Bộ Y tế Kazakhstan cho biết thêm.
Bạo lực tiếp tục diễn ra vào thứ Năm với việc các lực lượng an ninh được cho là đã nổ súng vào những người biểu tình và các vụ nổ được nghe thấy gần Quảng trường Cộng hòa ở Almaty, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
Cũng theo TASS, quân đội phát loa yêu cầu rằng mọi người nên rời khỏi quảng trường và cảnh báo họ sẽ nổ súng. Còn hãng thông tấn nhà nước Sputnik cho biết, các nhóm từ 5 đến 6 người, trong đó có một số người bị thương, đã chạy khỏi hiện trường.
Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan - vào thứ Tư sau những ngày biểu tình trên khắp đất nước về giá nhiên liệu tăng vọt.
CSTO hôm thứ Năm xác nhận "lực lượng gìn giữ hòa bình" của họ đã bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ ở nước này, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng lính dù Nga đã được chuyển tới Kazakhstan bằng máy bay quân sự.
"Các nhiệm vụ chính của Lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể của CSTO sẽ là bảo vệ các cơ sở quân sự và chính phủ, hỗ trợ lực lượng luật pháp và trật tự của Cộng hòa Kazakhstan", tuyên bố cho biết.
Nga duy trì quan hệ chặt chẽ với quốc gia Trung Á và sử dụng Sân bay vũ trụ Baikonur ở miền nam nước này làm cơ sở phóng cho các sứ mệnh không gian. Kazakhstan cũng có một nhóm dân tộc thiểu số người Nga đáng kể. CIA World Factbook nói rằng vào năm 2019, khoảng 20% trong số 19 triệu dân số Kazakhstan là người dân tộc Nga.
Biện pháp cứng rắn
Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ coi vụ bạo loạn có liên quan tới yếu tố nước ngoài, nhằm phá hoại an ninh và tính toàn vẹn của nhà nước Kazakhstan.Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu lên án bạo lực, kêu gọi sự kiềm chế từ tất cả các bên.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi một giải pháp hòa bình trong một tuyên bố: "Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: mọi người có quyền biểu tình hòa bình và tự do ngôn luận. Đồng thời, những người biểu tình, dù tức giận đến đâu, không nên dùng đến bạo lực đối với người khác".
Hãng hàng không quốc gia của Kazakhstan, Air Astana, đã hủy tất cả các chuyến bay cho đến ít nhất là thứ Sáu do gián đoạn internet. Một phát ngôn viên của hãng hàng không cho biết internet rất cần thiết để "tiến hành kiểm tra kỹ thuật và ghi âm trong khi chuẩn bị bay".
Kazakhstan, quốc gia lớn thứ chín thế giới tính theo diện tích đất liền, đã thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì một nền kinh tế mạnh mẽ kể từ khi độc lập vào năm 1991, nhưng phương pháp cai trị chuyên quyền của nước này đã khiến quốc tế lo ngại.
Các cuộc biểu tình đã bùng lên ở vùng Mangystau phía tây giàu dầu mỏ, khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá khí hóa lỏng (LPG) vào đầu năm. Vào ngày 5 tháng 1, những người biểu tình được cho là đã xông vào sân bay Almaty, uy hiếm các tòa nhà chính phủ và phóng hỏa các văn phòng hành chính của thành phố.
Trong nỗ lực kiềm chế tình trạng bất ổn, Tổng thống Tokayev đã cố gắng nhượng bộ bao gồm giảm giá LPG xuống 50 tenge (0,11 USD)/lít "để đảm bảo sự ổn định trong nước". Nhưng do không thể kiềm chế các cuộc biểu tình, Tokayev tuyên bố sẽ hành động "cứng rắn nhất có thể" để ngăn chặn tình trạng bất ổn.