Linh hoạt các hình thức tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Sáng 12-7, tại Hà Nội, đồng chí Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Tham dự tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp; Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Báo cáo tại hội nghị nêu: 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban dân tộc và các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhất là việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc và an sinh xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và tiến hành giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023. Đồng thời chỉ đạo cơ quan dân tộc và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”...

Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tiếp tục thực hiện một số chính sách dân tộc ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020-2025”; Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025”; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề giải quyết việc làm;... Qua đó tạo đà phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Ý kiến thảo luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị đã cơ bản thống nhất với kết quả đánh giá công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2023; nêu kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trong thời gian tới: phân cấp trong việc quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần để địa phương có thể linh hoạt theo nhu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm có kế hoạch, đề án giải quyết việc làm đối với sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học; xem xét, rà soát lại việc phân định các xã, thôn, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển; xem xét, điều chỉnh Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho phù hợp với tình hình hiện nay...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Chính sách dân tộc và công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, do đó đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Nhất là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, linh hoạt các hình thức tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân cư. Đặc biệt, các cơ quan dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc phải nắm chắc vấn đề, nhiệm vụ để tham mưu, đề xuất đúng, trúng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đối với những kiến nghị của địa phương tại hội nghị và có báo cáo gửi về Ủy ban dân tộc trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh yêu cầu các vụ có liên quan rà soát thật kỹ và ngay trong tháng 7 phải trả lời, có hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các địa phương rà soát lại các dự án và trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kiến nghị rõ ràng để Ủy ban Dân tộc báo cáo Ban Chỉ đạo, Quốc hội; tiếp tục tập trung đôn đốc triển khai có hiệu quả nguồn vốn, nội dung đầu tư của chương trình có trọng tâm, trọng điểm để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao...

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/linh-hoat-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-ve-cong-tac-dan-toc-chinh-sach-dan-toc-post242715.html