Linh hoạt, chủ động để vượt qua thách thức

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được cả hệ thống chính trị xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhằm 'thay thay da đổi thịt' vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Mặc dù vậy, tại nhiều địa phương thuộc khu vực này, vấn đề xây dựng NTM còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các địa phương để thực hiện chương trình trong giai đoạn mới.

BĐBP Cao Bằng chung tay cùng người dân khu vực biên giới xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Bình Minh

BĐBP Cao Bằng chung tay cùng người dân khu vực biên giới xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Bình Minh

Theo số liệu của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, hiện, cả nước có 2.947 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM. Trong số 69 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019, có một số tỉnh vùng DTTS và miền núi khó khăn có đơn vị cấp huyện được công nhận như: Huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái); thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh); huyện Tây Trà (tỉnh Phú Yên)...

Cùng với kết quả xây dựng NTM, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi đang được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm. Đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 61,3% số xã đạt tiêu chí về thu nhập và 60,7% số xã đạt chuẩn tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

Có được kết quả này, một phần nhờ vào nguồn lực huy động rất lớn trong việc thực hiện xây dựng NTM vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2019. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng ở nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, vấn đề xây dựng NTM còn muôn vàn khó khăn, nhất là địa bàn vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng, nhu cầu vốn để xây dựng NTM của các địa phương vùng DTTS và miền núi rất lớn, tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hằng năm cho khu vực này không nhiều. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Cơ chế thực hiện các chính sách ở các vùng này còn nhiều bất cập, kinh phí Trung ương phân bổ cho một số chương trình, chính sách còn hạn chế, một số chính sách đã ban hành nhưng nguồn vốn lại thiếu; định mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế. Đây là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng NTM.

Mặt khác, năng lực của cán bộ cơ sở tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS công tác trong các cơ quan hành chính còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa đồng đều. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS chưa được đồng bộ. Thêm vào đó, tác động của thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc xây dựng NTM và duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... ở vùng DTTS và miền núi.

Được biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai...). Đồng thời, ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ ít nhất có 1 tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Về cấp thôn, phấn đấu có ít nhất 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định. Phương hướng của chương trình giai đoạn tới cũng đặt ra mục tiêu, các xã vùng DTTS đạt 90% tiêu chí về nhà ở, 90% đạt tiêu chí về hộ nghèo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM nâng cao; 100% số người gặp khó khăn được hỗ trơ... Những mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương vùng DTTS và miền núi.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/linh-hoat-chu-dong-de-vuot-qua-thach-thuc-post430509.html