Linh hoạt chuyển hướng thông quan nông sản qua nhiều cửa khẩu
Câu chuyện nông sản bị ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu không phải là mới, nhưng lại liên tục xảy ra và gây nhiều hậu quả cho cả người nông dân và các thương lái. Mới đây nhất, những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, tình trạng ùn ứ các xe nông sản chờ thông quan tại các cửa khẩu sang Trung Quốc lại tiếp diễn. Lần này là sầu riêng, mặt hàng mới được xuất khẩu (XK) chính ngạch sang Trung Quốc từ cuối tháng 12/2022.
Sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 8 bộ cùng các địa phương, cơ quan liên quan sớm tìm cách xử lý, thúc đẩy việc thông quan nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, ngày 1/6, tại Vân Nam (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đã có buổi trao đổi với Hải quan Côn Minh về một số giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hải quan Côn Minh sớm gửi đề án về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, kết nối thông minh, xuất nhập khẩu một cửa, tới các cơ quan quản lý Việt Nam để nghiên cứu thực hiện. Đây là vấn đề mà Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan cùng tham gia thực hiện.
Ông Cận Diên Dũng, Cục trưởng Hải quan Côn Minh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) thông tin, tỉnh Vân Nam đang xây dựng cầu nối giữa Bách Sắc và Hà Khẩu, hai địa phương có cửa khẩu với Việt Nam. Việc này sẽ giảm mạnh ùn tắc cửa khẩu. Và từ ngày 1/6, Hải quan Côn Minh và phía Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau. Trước mắt, sản phẩm chỉ giới hạn ở sầu riêng.
Chiều 4/6, trao đổi với chúng tôi, ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, hiện cửa khẩu vẫn đang hoạt động bình thường, mỗi ngày hàng xuất thông quan từ 220-250 xe hàng; và 50-70 xe nhập. Về sầu riêng, từ ngày 26/5 đến nay, Hải quan Tân Thanh đã làm thủ tục thông quan hơn 400 xe.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, “điểm nóng” ùn ứ hàng trăm xe chở sầu riêng trong những ngày qua thì đến nay, không còn tình trạng ùn ứ, xe hàng xuất vào khu vực cửa khẩu đều được thực hiện thông quan nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn thông tin với chúng tôi, từ ngày 22/5, số lượng xe chở hàng nông sản vận chuyển từ các tỉnh nội địa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng đột biến. Nguyên nhân hiện mặt hàng sầu riêng nước ta đang vào vụ thu hoạch, với sản lượng quý 2 và quý 3 ước khoảng 650.000 tấn.
Trong khi đó, mặt hàng này hiện chỉ thực hiện XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Sở Công Thương, Cục Hải quan Lạng Sơn đã làm việc với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất bắt đầu từ ngày 26/5, thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa sẽ đến 20h (giờ Hà Nội) – tăng 2 giờ làm việc so với thời điểm đầu tháng 5. Điều này giúp lượng xe thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trung bình mỗi ngày được từ 750 – 820 xe, tăng từ 250 – 300 xe so với thời điểm giữa tháng 5. Đồng thời, trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) thống nhất kéo dài thời gian thông quan trong ngày và tiếp tục đề nghị phía bạn phối hợp cùng thực hiện điều tiết mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải áp lực cho cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
“Đến chiều 4/6, không có tình trạng ùn ứ xe hàng ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra một cách bình thường nhờ các biện pháp điều tiết kịp thời trong công tác xuất nhập khẩu giữa nước ta và phía bạn Trung Quốc”, ông Duy cho hay.
Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh khuyến cáo các tổ chức, cá nhân XK nông sản cần liên hệ chặt chẽ, thống nhất với đối tác phía Trung Quốc trong việc giao, nhận hàng hóa và nghiên cứu chuyển đổi từ việc mua bán hàng hóa thông qua thỏa thuận miệng bằng hình thức ký kết hợp đồng ngoại thương, mở tờ khai XK chính ngạch; đồng thời, tìm hiểu kỹ các quy định của Trung Quốc về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, bao bì, quy cách đóng gói, nhãn mác, mã vùng trồng… tránh trường hợp hàng hóa không được phía Trung Quốc tiếp nhận, buộc phải tái nhập vào Việt Nam gây thiệt hại về chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân XK nông sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng bám sát diễn biến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị để kịp thời có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới; hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa. Địa phương cũng đẩy mạnh công tác trao đổi, hội đàm các cấp với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian nhiều hơn nữa cho thông quan và hiệu suất thông quan.
Về giải pháp lâu dài, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về kiểm nghiệm, kiểm dịch, giám sát chất lượng và đăng ký doanh nghiệp theo Lệnh số 248 (lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy khô, đông lạnh cũng cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp). Doanh nghiệp chủ động khẩn trương trao đổi với các đối tác nhập khẩu hàng phía Trung Quốc để chuyển hướng thông quan qua các cửa khẩu biên giới khác đủ điều kiện nhập khẩu trái cây của phía Trung Quốc. Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các cơ quan đối tác Trung Quốc để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5/2023 và thúc đẩy các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới hai nước.