Linh hoạt dạy và học khi tạm dừng đến trường
ĐBP - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại địa bàn huyện Điện Biên, nhiều trường vùng dịch phải tạm thời đóng cửa. Đến ngày 8/11, dịch vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều ca nhiễm Covid-19 là học sinh, giáo viên. Để đảm bảo công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, trường học các cấp trong huyện đồng loạt dừng việc dạy và học trực tiếp. Với phương châm 'dừng đến trường nhưng không dừng học', các cơ sở giáo dục đã linh hoạt phương án dạy và học đảm bảo chương trình học.
Tại Trường Phổ thông bán trú THCS xã Núa Ngam, từ ngày 2/11, học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19. Là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhiều bản xa, tiếp nhận học sinh 2 xã Núa Ngam, Hẹ Muông, nên việc đảm bảo dạy và học của trường sau khi “đóng cửa” gặp không ít khó khăn. Nhưng Trường đã linh hoạt các biện pháp thích ứng phù hợp. Ngay sau khi tạm dừng học trực tiếp, Trường triển khai học trực tuyến cho học sinh vùng thuận lợi, có đủ điều kiện học trực tuyến và giao bài, hướng dẫn học cho học sinh vùng khó, không có thiết bị. Thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhờ đã xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh từ đầu năm học, và được ngành tập huấn về dạy học trực tuyến, nên khi dịch xảy ra tại địa bàn, trường không bị bị động và chuyển ngay trạng thái. Trường cũng đã rà soát từ sớm thiết bị học trực tuyến, em nào có điều kiện học, em nào chưa, ở bản nào, tên gì, đều có thông tin, số liệu cụ thể. Năm học này Trường có 431 học sinh. Theo thống kê mới nhất, 51,1% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến và đang tham gia học trực tuyến. Đối với số học sinh còn lại, Trường giao giáo viên biên soạn các phiếu học tập theo tuần, đến từng bản giao bài cho học sinh. Trong phiếu học tập ngoài kiến thức, bài tập, giao nhiệm vụ, còn có phần hướng dẫn sử dụng tài liệu. Thầy cô chia theo các nhóm đi từng bản đưa phiếu, tuần sau thu phiếu và giao phiếu mới”.
Còn tại Trường Tiểu học xã Hua Thanh, việc đảm bảo chương trình học sau khi trường tạm đóng cửa càng khó khăn hơn. Thầy Trần Danh Tương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phụ huynh trên địa bàn có điện thoại thông minh kết nối mạng rất ít, mỗi lớp chỉ có vài học sinh đáp ứng được việc học trực tuyến. Đặc biệt tại 2 điểm trường Pá Sáng và Nậm Ty “trắng” thiết bị, không điện, không sóng điện thoại. Vì vậy Trường hoàn toàn thực hiện giao phiếu bài cho học sinh. Mỗi giáo viên được phân công 1 bản, đến từng nhà học sinh. Ngoài hướng dẫn trong phiếu, nếu học sinh không hiểu, phụ huynh có thể gọi điện thoại trực tiếp (có số điện thoại giáo viên từng môn trên phiếu). Cách làm này đã đi vào nền nếp, được phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên trên địa bàn hầu hết là người dân tộc thiểu số, đây là thời gian lên nương của bà con nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con, Trường phải khắc phục khó khăn nhiều hơn”. Được biết tranh thủ thời gian vàng khi chưa có dịch, Trường đã đẩy tiến độ dạy và học nhanh hơn chương trình Bộ, chỉ còn khoảng hơn 4 tuần nữa có thể kết thúc học kỳ I. Vì vậy nếu dịch được khống chế nhanh thì việc tạm dừng dạy và học trực tiếp không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung.
Thuận lợi hơn một số địa bàn vùng cao, Pom Lót cũng đang triển khai cho phần lớn học sinh học trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Vui, phụ huynh học sinh Nguyễn Bảo Anh, lớp 2A2, Trường Tiểu học Pom Lót cho biết: Cháu nhà tôi bắt đầu tham gia học trực tuyến theo chương trình của Trường từ tối 8/11. Do nông thôn, các phụ huynh bận đi làm ban ngày nên lớp cháu học buổi tối. Nhưng từ trước đó, ngay sau nghỉ học tại Trường, cô giáo lớp cháu đã đến phát phiếu bài tập. Khi học trực tuyến, cô hướng dẫn và chữa bài giao về cho các cháu. Vì vậy tôi cũng thấy yên tâm, dù không đến trường nhưng kiến thức chương trình vẫn đảm bảo.
Năm học 2021 - 2022, huyện Điện Biên có 65 trường mầm non, tiểu học, THCS, tổng số gần 24.000 học sinh; riêng cấp THPT có hơn 1.000 học sinh đều tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Theo rà soát từ cuối tháng 9, toàn huyện có hơn 16.600 học sinh bậc tiểu học, THCS, trong đó có gần 8.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong 42 trường tiểu học và THCS có 1 trường thuộc khu vực không có internet, 5 trường tại địa bàn chưa phủ sóng 3G, 4G. Vì vậy khi tạm dừng dạy và học trực tiếp, các trường đã chủ động linh hoạt phương án đảm bảo dạy học tùy thuộc điều kiện địa bàn và tình hình dịch.