Linh hoạt hình thức trợ giúp người nghèo

Trước nhu cầu cần được trợ giúp từ phía người nghèo, cận nghèo, khó khăn đòi hỏi Ban Vận động vì người nghèo phải tìm ra những giải pháp trợ giúp mới nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực từ Quỹ Vì người nghèo.

Ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao học bổng và quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại H.Trảng Bom. Ảnh: Văn Truyên

Ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao học bổng và quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại H.Trảng Bom. Ảnh: Văn Truyên

Điều này đòi hỏi các đơn vị liên quan phải có sự thay đổi quy định về đối tượng thụ hưởng trợ giúp, tăng mức trợ giúp… nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

* Thay đổi là điều cần thiết

Năm 2020, ban vận động vì người nghèo các cấp đã vận động được hơn 18,6 tỷ đồng vào Quỹ Vì người nghèo. Qua đó, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên đã xây dựng 189 căn nhà tình thương, trao tặng 11,4 ngàn phần quà, hỗ trợ đột xuất cho 710 người có hoàn cảnh khó khăn, tặng 827 suất học bổng… với tổng giá trị hơn 9 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động của quỹ vì người nghèo các cấp, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bùi Quang Huy cho rằng, hoạt động của Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Vì người nghèo hiện chủ yếu chỉ xoay quanh việc xây - sửa nhà, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ học bổng cho học sinh, trao quà tết… Qua thống kê, một năm chỉ có 24 hộ được trợ giúp về đất sản xuất, 68 người được trợ giúp khám, điều trị bệnh tại bệnh viện… từ Quỹ Vì người nghèo là quá ít. Hay bình quân mỗi học sinh được hỗ trợ chỉ 1 triệu đồng/năm học; số tiền hỗ trợ xây dựng một căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết là 50 triệu đồng không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hàng loạt vấn đề đặt ra đó đòi hỏi Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh phải nghiên cứu lại về hình thức, cách thức hoạt động của quỹ trong thời gian tới.

Bà Hồ Thị Sự, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ câu chuyện thực tế, trong tháng 12-2020, qua kiểm tra tại một số địa phương, Hội Nông dân tỉnh nhận thấy còn nhiều căn nhà xuống cấp cần phải xây mới, sửa chữa mà chủ hộ không có khả năng tự xây dựng. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại cho biết những hộ này không nằm trong hộ nghèo, hộ cận nghèo nên không phải là đối tượng trợ giúp của Quỹ Vì người nghèo. Do vậy, thời gian tới, mỗi địa phương cần rà soát kỹ nhu cầu thực tế của người dân, có sự điều chỉnh về tiêu chí xét chọn xây nhà tình thương từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh nhằm sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đúng đối tượng cần hơn nữa.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Quang Huy cho hay, thời gian tới Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo cần có cách nhìn nhận mới về đối tượng được hỗ trợ giảm nghèo thay vì chỉ hộ nghèo, cận nghèo như hiện nay. Chú trọng việc hỗ trợ thoát nghèo bền vững bằng nhiều chương trình cụ thể, thiết thực thay vì chỉ bằng những phần quà tức thời. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người được hỗ trợ biết cố gắng vươn lên thoát nghèo. Đây là những điều chỉnh cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Vì người nghèo.

* Những giải pháp linh hoạt

Thời gian qua, các tổ chức thành viên Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo đã thực hiện nhiều giải pháp linh động nhằm thực sự tạo ra nguồn lực giúp đỡ người dân thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Văn Tý (hộ khó khăn ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) trong ngày được nhận quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết của gia đình với giá trị xây dựng 90 triệu đồng. Ảnh: Văn Truyên

Ông Võ Văn Tý (hộ khó khăn ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) trong ngày được nhận quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết của gia đình với giá trị xây dựng 90 triệu đồng. Ảnh: Văn Truyên

Cụ thể, thực hiện dự án Ngân hàng bò, 10 năm qua toàn tỉnh đã có 467 con bò trị giá 5,7 tỷ đồng được trao tặng cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo sinh kế.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, theo quy định chung được áp dụng trong cả nước, khi bò mẹ đẻ con đầu tiên, bò con sau khi cứng cáp, bò mẹ hoặc bò con sẽ được chuyển cho hộ nghèo khác. Điều này khiến hộ nhận bò khó tích góp để thoát nghèo. Ngoài ra, theo quy định thì nguồn lực từ dự án Ngân hàng bò chỉ được sử dụng để cấp bò giống cho người nhận. Vì vậy, tại Đồng Nai, khi trao bò giống cho người nhận, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để người dân nhân đàn trong nhiều năm. Khi phát triển được từ 3-4 con bò thì mới yêu cầu chuyển 1 bò con cho hộ nghèo khác. Song song đó, với những gia đình có nhu cầu chăn nuôi dê, gà, heo, từng địa phương cũng chủ động chuyển đổi nguồn vốn tương đương giá trị mua bò giống để người dân mua vật nuôi khác với yêu cầu là bảo toàn tốt nguồn vốn.

Cùng với đó, ngoài hình thức xét trao học bổng hằng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh còn phối hợp với các mạnh thường quân, tổ chức chọn các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu không có sự trợ giúp lâu dài sẽ bỏ học giữa chừng để trao những suất học bổng đến khi hoàn thành chương trình THPT.

Theo ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, hiện có 10 học sinh nhận học bổng này. Đặc biệt, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đang xúc tiến thủ tục với nhà tài trợ để tới đây sẽ trao học bổng với giá trị lớn, duy trì liên tục đến khi học sinh hoàn thành chương trình đại học.

Còn ông Trần Thanh Hùng, cán bộ Ban Công tác xây dựng Hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đồng Nai cho hay, qua khảo sát thực tế về xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh khó khăn về nhà ở, có thực tế là số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết từ Quỹ Vì người nghèo đã không còn đáp ứng được nhu cầu xây dựng, bởi giá thành thực tế hiện nay để xây dựng một căn nhà cơ bản phải từ 70 triệu đồng trở lên. Do vậy, Hội Cựu chiến binh tỉnh khi vận động nguồn lực hỗ trợ ban đầu xây dựng nhà ở đều từ mức 70 triệu đồng trở lên/căn nhà.

Ông Võ Văn Tý (hộ khó khăn ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) vừa nhận quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết nói: “Vì đường chuyên chở vật liệu vào đến điểm xây dựng nhà tôi rất khó đi lại, xa khu dân cư nên chi phí xây dựng cao hơn so với những gia đình nằm gần đường giao thông. Vì vậy mà khi hoàn thành, căn nhà có giá trị đến 90 triệu đồng. Trong đó, nguồn từ Sở LĐ-TBXH hỗ trợ là 75 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình, chính quyền địa phương đóng góp thêm. May mà số tiền hỗ trợ xây nhà cho gia đình cao hơn mức trung bình nên căn nhà mới cơ bản có phòng khách, 1 phòng ngủ. Còn công trình phụ, gia đình sẽ tiếp tục xây dựng trong thời gian tới”.

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư phụ trách Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết thêm, thời gian qua, những phần quà, chương trình khám bệnh, cấp thuốc… chỉ giải quyết được những khó khăn nhất thời cho người dân. Từ đó, Tỉnh đoàn đã mạnh dạn thực hiện những giải pháp giảm nghèo mang tính chất phục vụ cộng đồng. Cụ thể, trong 2 năm (2019 và 2020), Tỉnh đoàn đã xây 15 cây cầu dân sinh trị giá hơn 4 tỷ đồng cùng hàng chục khu vui chơi trẻ em, trị giá 20 triệu đồng/khu vui chơi. Trong đó, Tỉnh đoàn đối ứng bằng vật liệu, nhà tài trợ cấp kinh phí, người dân ở địa phương, đoàn viên thanh niên tham gia ngày công. Vì vậy mà công trình giảm được chi phí, sức lan tỏa nâng lên rất nhiều, mang tính cộng đồng trách nhiệm cao…

Theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bùi Quang Huy, mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng, xây dựng thêm nhiều chương trình trợ giúp từ nguồn Quỹ Vì người nghèo là yêu cầu bức thiết đặt ra trong thời gian tới. Điều này nhằm phát huy tốt nguồn lực trong hỗ trợ người dân vươn lên trong cuộc sống.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/linh-hoat-hinh-thuc-tro-giup-nguoi-ngheo-3036987/