Linh hoạt thời gian thu hoạch, bảo đảm chất lượng nông sản

Những ngày gần đây, người trồng mía ở tỉnh Phú Yên đã phải chuyển thời gian thu hoạch sang lúc mờ sáng và chiều tối, thậm chí cả ban đêm. Nguyên nhân là nắng nóng kéo dài, nếu thu hoạch như thường lệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất, chất lượng nông sản.

 Thu hoạch mía tại huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ảnh: TRÌNH KẾ.

Thu hoạch mía tại huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ảnh: TRÌNH KẾ.

Việc bố trí thời gian thu hoạch hợp lý còn hạn chế tình trạng mía bị cháy do nắng nóng. Trong khi đó, lúa đông xuân cũng đang vào thu hoạch chính vụ, buổi chiều thường có sấm sét, dông lốc, bà con khẩn trương thu hoạch dứt điểm sớm để tránh thiệt hại.

Chặt mía chạy nắng

Đang vào chính vụ, nắng nóng kéo dài kèm gió nồm thổi mạnh gây nguy cơ cháy cao ở hầu hết các cánh đồng mía của nông dân tỉnh Phú Yên, nhất là tại ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Đây là nỗi lo canh cánh hằng ngày của nông dân cũng như các nhà máy đường thu mua mía nguyên liệu.

Theo thống kê sơ bộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP), đơn vị có 2 nhà máy đường và vùng nguyên liệu lớn nhất tỉnh Phú Yên với hơn 27.000ha, từ đầu vụ thu hoạch đến nay khoảng 30-40ha mía đã bị cháy, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đốt nương làm rẫy, sự bất cẩn của một bộ phận người dân và sét đánh khi trời dông.

Một nguyên nhân khác dẫn đến cháy là do thu hoạch mía xong, nhiều nông dân đốt lá để lưu gốc, không cẩn thận dẫn đến cháy lan qua các đám khác. Rút kinh nghiệm từ thực tế, mùa nắng nóng như hiện nay, nông dân phát dọn bờ rào, đốt lá mía vào chiều tối vì không may xảy cháy cũng dễ kiểm soát và dập tắt được.

Với cây mía, lâu nay người trồng thu hoạch chủ yếu dựa vào sức người cho nên nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến vụ ép. Đã vậy, mía nằm lâu trên ruộng sẽ bị khô, ảnh hưởng đến năng suất do nắng nóng. Việc chủ động thay đổi thời điểm thu hoạch loại cây trồng chủ lực này không chỉ giúp bà con tránh được nóng, mà còn bảo đảm việc thu hoạch đúng tiến độ. Người chặt mía thuê cũng giữ được sức khỏe, thu nhập ngày công cao hơn ngày thường.

Thay đổi thời gian thu hoạch để tránh nắng nóng đang được nông dân Phú Yên chủ động và khẩn trương ngay trên vùng trồng mía trong suốt nhiều ngày qua khi nhiệt độ duy trì từ 37-39 độ C để các nhà máy có đủ nguyên liệu ép ngay vào chính vụ.

Cả tháng nay, bà Nguyễn Thị Lệ cùng nhóm nhân công chuyên nhận chặt mía thuê tại xã Suối Bạc, huyện miền núi Sơn Hòa phải chuyển thời gian lao động cho phù hợp với thời tiết, ai cũng mang theo đèn pin. Công việc thường bắt đầu từ 2 giờ đêm đến khoảng 8 giờ sáng là kết thúc. Còn buổi chiều khoảng từ 15 giờ đến 19 giờ tối, thậm chí đến khuya. “Trời mát, trung bình một ngày mỗi người chặt được khoảng 160 bó mía, giá 1.500 đồng/bó, thu nhập từ 250.000-300.000 đồng, hơn bình thường khoảng 50.000 đồng, lại duy trì được sức khỏe để hôm sau làm tiếp...”, bà Lệ cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên nông nghiệp thuộc Công ty KCP Việt Nam cho biết: “Năm nay, cứ 1ha mía trồng mới, công ty hỗ trợ từ 6-10 triệu đồng. Đến khi thu hoạch, tiếp tục hỗ trợ mỗi tấn mía 20.000 đồng, cước vận chuyển về nhà máy cũng được công ty trả. Đối với mía cháy, công ty tạo điều kiện cho nông dân nhập trước, khẩn trương trong vòng 24-48 tiếng về nhà máy và thu mua như giá mía thường, vì để lâu mía sẽ không còn đường, gây thiệt hại nặng”.

Gặt lúa tránh mưa

Nhiều ngày qua, nông dân tỉnh Phú Yên hối hả gặt lúa với tinh thần: “Gặt đến đâu, phơi, bán đến đó”, giá dao động từ 6.000-8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dự báo sắp tới sẽ có mưa dông cục bộ làm lúa ngã đổ, khó thu hoạch và giảm năng suất, nhất là các diện tích bị rầy nâu tàn phá trong giai đoạn lúa trổ bông.

Để tránh thiệt hại, nhiều ngày qua trên khắp các cánh đồng lúa chín với 26.622ha của tỉnh Phú Yên, hoạt động thu hoạch, vận chuyển, mua bán lúa diễn ra rộn ràng ngay tại chân ruộng, kể cả ban đêm. Từ chủ ruộng đến chủ các máy gặt đập liên hợp, chủ xe vận chuyển, thương lái thu mua... đều mang theo đồ ăn, nước uống làm việc hết công suất từ mờ sáng đến đêm.

Ông Trần Thanh Hải ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa lo lắng: “Mấy hôm nay trời dông, sấm sét ầm ầm cho nên phải gặt khẩn trương, có khi đến 22 giờ mới chở lúa về để sáng mai phơi khô. Đối với mấy khóm lúa đã bị ngã, càng phải tranh thủ gặt gấp, vì nếu không kịp, gặp mưa xuống thì thiệt hại nặng hơn”.

Vụ đông xuân này, huyện Phú Hòa có hơn 5.300 ha lúa, cơ cấu sản xuất 3 giống chủ lực là ĐV108, Đài Thơm 8, PY10. Đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 3.000 ha. Anh Nguyễn Trọng Khẩn, chuyên vận chuyển lúa ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa cho biết: “Do sợ dông ập đến bất ngờ nên ai cũng hối thúc cắt, trong khi các máy gặt đập liên hợp đã chạy hết công suất, kể cả máy từ tỉnh Bình Định vào cũng không kịp. Xe tôi có 3 nhân công bốc lúa, làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến đêm, không kịp cả ăn trưa. Trung bình mỗi ngày chở được khoảng 25 chuyến, vượt 5 chuyến so với vụ trước mới đáp ứng đủ nhu cầu gặt lúa tránh mưa của nông dân”.

Theo ông Trương Quang Tưởng, Phó Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Phú Yên, đến nay nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch được 14.017 ha lúa, năng suất bình quân dự ước khoảng 71 tạ/ha. Còn lại 12.605 ha, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch lúa dứt điểm trước ngày 20/5 tới để tránh mưa dông bất thường và kịp cho lịch gieo sạ vụ hè thu.

PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/linh-hoat-thoi-gian-thu-hoach-bao-dam-chat-luong-nong-san-post878669.html