Linh hoạt tìm vốn khởi nghiệp

Để vượt qua khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xoay xở, linh hoạt tìm kiếm nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế

Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hiện chiếm 97% trong tổng số khoảng 800.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam. Rất nhiều DN đã chủ động tìm kiếm những nguồn tài trợ khác nhau từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Kiếm tài trợ từ tổ chức tài chính

Visa, một trong những công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới, vừa công bố đã thắng cuộc tại chương trình tài trợ She’s Next lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam - được mở rộng từ chương trình tài trợ She’s Next toàn cầu với mục đích thúc đẩy và hỗ trợ kinh doanh cho các nữ doanh nhân. Ba nữ chủ DN Việt đã nhận khoản tài trợ 10.000 USD/DN và khóa huấn luyện 1 năm của IFundWomen để được hỗ trợ, phát triển, mở rộng hoạt động.

Một trong 3 DN vừa nhận được tài trợ từ tổ chức thanh toán quốc tế Visa là EQUO - thương hiệu sản xuất vật dụng dùng một lần như ống hút, muỗng, nĩa… với thành phần 100% không chứa nhựa, hoàn toàn tự nhiên và có thể phân hủy sinh học. Các sản phẩm của EQUO được sản xuất từ cà phê, dừa, cỏ, lúa gạo... Thương hiệu này được sáng lập bởi Marina Trần Vũ, kỳ vọng giúp bảo vệ môi trường thông qua việc giảm rác thải nhựa và định hướng tập trung phát triển mảng bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử.

Marina Trần Vũ cho hay chị bắt đầu kinh doanh lĩnh vực này từ khoảng 2,5 năm trước. Chị tự mình lập công ty rồi kêu gọi những người có cùng tâm huyết tham gia. Đối với một DN nhỏ, bất kỳ hình thức tài trợ nào cũng rất hữu ích. 10.000 USD được tài trợ từ Visa sẽ hỗ trợ rất nhiều hoạt động marketing của DN.

Các sản phẩm của EQUO đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử. "Trong vòng 3 năm tới, EQUO sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam vì ngày càng nhiều người dùng tiếp cận các vật liệu khác nhau như cỏ, gạo, dừa… thay thế cho giấy, nhựa vốn không tốt cho môi trường. DN cũng đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh sang Mỹ, Canada, Úc và thị trường châu Âu" - Marina Trần Vũ hào hứng.

Một DN khởi nghiệp khác cũng nhận được giải thưởng 10.000 USD và khóa huấn luyện 1 năm của IFundWomen là Công ty CP Tubudd, đồng sáng lập bởi chị Annie Vu. Đây là nền tảng công nghệ kết nối du khách quốc tế với những người bạn trợ lý bản địa, để hỗ trợ và đồng hành với những trải nghiệm thú vị trong kỳ nghỉ hoặc chuyến công tác.

Chị Annie Vu cho biết ứng dụng Tubudd được kỳ vọng không chỉ giúp khách quốc tế đến Việt Nam mà cả người Việt ra nước ngoài cũng có thể sử dụng như người bạn đồng hành. Một trong những đối tượng khách du lịch được Tubudd đáp ứng là khách Hàn Quốc khi tới Việt Nam. Hiện mạng lưới Tubudd gồm hơn 1.000 bạn bản địa, thuộc 12 quốc gia, sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch viên và trợ lý riêng của du khách, mang lại những góc nhìn chân thực về điểm đến.

Tubudd, nền tảng công nghệ kết nối du khách quốc tế với những người bạn trợ lý bản địa, vừa được đầu tư thêm 10.000 USD và hỗ trợ phát triển, mở rộng hoạt độngẢnh: Lam Giang

Tubudd, nền tảng công nghệ kết nối du khách quốc tế với những người bạn trợ lý bản địa, vừa được đầu tư thêm 10.000 USD và hỗ trợ phát triển, mở rộng hoạt độngẢnh: Lam Giang

Cần chọn cách gọi vốn phù hợp

Ông Tareq Muhmood, Giám đốc Visa khu vực Đông Nam Á, cho biết mục tiêu của Visa là cam kết hỗ trợ khả năng kỹ thuật số cho khoảng 50 triệu DN nhỏ trên khắp thế giới sau đại dịch Covid-19. Năm 2022, Visa đã mở rộng chương trình tài trợ toàn cầu She’s Next đến Việt Nam, hỗ trợ những nữ chủ DN trong hoạt động gọi vốn, điều hành và phát triển DN nhỏ.

Trước đó, từ năm 2020, Visa đã đầu tư hơn 2,5 triệu USD vào hơn 220 khoản tài trợ và các khóa huấn luyện cho những nữ chủ DN vừa và nhỏ thông qua chương trình tài trợ trên toàn cầu tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Ireland, Ai Cập... Tại Việt Nam, Visa còn hỗ trợ DN thúc đẩy hiệu quả vận hành và tăng trưởng doanh số thông qua việc chấp nhận thanh toán điện tử và mở rộng kinh doanh trực tuyến.

Theo các chuyên gia kinh tế, gọi vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế là một trong những kênh quan trọng để DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh các kênh tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng bị hạn chế.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường không có tài sản bảo đảm nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Lúc này, việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, cho thuê tài chính hoặc từ các kênh gọi vốn khác là cần thiết. DN khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp mục tiêu bản thân và hiệu quả vốn phát hành. Đặc biệt, DN cần hướng tới việc minh bạch và chuyên nghiệp để phát triển lâu dài.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng, cũng không thể phát hành trái phiếu. Giải pháp lúc này là không dựa vào quy mô vốn mà dựa trên mô hình tổ chức và lợi thế sản xuất. DN có thể xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý; có thể liên kết, hợp tác hoặc mời gọi đối tác đầu tư tài chính.

"Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế thời 4.0 giúp tạo ra hệ sinh thái, cộng đồng đầu tư kết nối. DN nhỏ và vừa cũng có thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư kết nối cộng đồng..." - ông Hiển gợi ý.

Theo TS Cấn Văn Lực, các DN nhỏ và vừa, hộ gia đình còn một kênh huy động vốn nữa từ nền tảng công nghệ tài chính là fintech. Tuy nhiên, hiện kênh huy động vốn này vẫn chờ khung pháp lý của Chính phủ - sẽ được ban hành trong thời gian tới.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/linh-hoat-tim-von-khoi-nghiep-20220904203604505.htm