Linh hoạt ứng phó khi các thị trường xuất khẩu thiết lập dày đặc hơn các 'rào cản' thương mại
Hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số; tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
Sáng nay 2/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Về xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD tăng 22,2%; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10%, sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 33 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 11,3%; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1% ; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu, trong 6 tháng cuối năm Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn - trung và dài hạn, đồng thời phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Linh hoạt xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu. Ngoài những yêu cầu tối thiểu bắt buộc của thị trường, người mua cũng sẽ có những yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tiếp cận các kênh phân phối tại Đức, đặc biệt kênh phân phối hàng châu Á.
Về hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Đức, bà Phương cho biết, tính đến hết tháng 5 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 0,7%, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,16 tỷ USD tăng 1,9% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,43 tỷ USD, giảm 1,8%.
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tăng, cụ thể: thủy sản đạt trên 77,4 triệu USD, tăng 9,8%; rau quả đạt 26,25 triệu USD tăng 113,5%; hạt điều đạt trên 48,66 triệu USD, tăng 35,5%; cà phê đạt trên 349,62 triệu USD tăng 45,4%; hạt tiêu đạt trên 32,83 triệu USD tăng 119,9%.
Chia sẻ về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết Ấn Độ mới chỉ mở cửa thị trường cho trái thanh long Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, thị trường này chưa mở thêm mặt hàng mới nào cho ngành hàng trái cây Việt Nam.
Nguyên nhân là do Ấn Độ cũng mong muốn Việt Nam mở cửa cho một số loại trái cây của họ như nho, lựu. Tham tán Bùi Trung Thướng cho biết thêm nho của Ấn Độ có giá thành rất rẻ, chỉ 1 USD/kg, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, lợi nhuận… về Việt Nam là 3 USD/kg.
"Việt Nam có thể xem xét để mở cửa thị trường cho loại trái cây này trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất muốn đưa nho vào Việt Nam"- ông Thướng cho hay.
Ông Thướng kỳ vọng, thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ sẽ được nâng lên con số 20 tỉ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa kỳ vọng này, cần đẩy mạnh cơ chế hợp tác mở cửa thị trường nông sản giữa hai quốc gia.
Bộ Công Thương dự báo, 6 tháng cuối năm 2024, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại.
Để công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương nói rằng, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
“Các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp”, vị đại diện nhấn mạnh.