Linh thiêng chùa Ninh Xá

Chùa Ninh Xá (có tên chữ là Yên Quang Tự), được xây dựng ngay trung tâm của làng trên mảnh đất cao ráo, thoáng mát thuộc xã Lê Ninh (Kinh Môn).

 Không gian chùa Ninh Xá ngày nay yên bình, thanh tịnh

Không gian chùa Ninh Xá ngày nay yên bình, thanh tịnh

Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Ninh Xá. Ngôi chùa được khởi dựng vào thế kỷ XVI; trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Vì địa thế thuận lợi của vùng đất này nên năm 938, Ngô Quyền đã chọn Ninh Xá làm căn cứ đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Ngày nay vẫn còn chứng tích liên quan đến việc cất giấu quân lương, vũ khí của nghĩa quân như khu vườn vông, nơi cất giấu quân lương; đồng Quan, nơi điểm quân; bãi Dầm thuyền, nơi cất giấu thuyền chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), vùng Ninh Xá được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm căn cứ đóng quân, phục kích địch khi chúng từ Vạn Kiếp rút chạy qua sông Kinh Thầy.

Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi chùa trở thành chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử địa phương. Năm 1946, sư Huệ trụ trì chùa cùng đồng chí Vũ Văn Thú, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến xã họp bàn kế hoạch chống càn.

Năm 1947, trước tình hình thực dân Pháp hành quân đánh chiếm các xã ven đường 186, do Ninh Xá được công nhận là nơi chiến đấu tốt nên cán bộ Việt Minh của huyện đã về tập hợp điểm quân và họp bàn tại chùa để chuẩn bị chiến đấu.

Từ năm 1947-1950, chùa còn là nơi mở các lớp bình dân học vụ. Năm 1953, chùa là nơi trú ẩn của bộ đội ta. Một thời gian sau do có việt gian chỉ điểm, quân Pháp đã dùng đại liên, pháo cối bắn phá dữ dội làm hỏng 5 gian tiền đường.

Cũng trong năm này, đội lính Lê dương của Pháp kéo vào chùa lùng sục nhằm bắt cán bộ của ta nhưng đều thất bại. Tức giận, chúng đã lấy tượng mang đi nhưng vài hôm sau lại mang trả. Người dân địa phương cho rằng Đức Phật đã hiện lên quở trách, do sợ hãi nên chúng mang trả lại tượng vào vị trí cũ và về sau không dám đụng đến ngôi chùa này nữa.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay ngôi chùa có kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 7 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Qua tam quan là sân chùa rộng 323,6 m2 được lát gạch vuông đỏ.

Giữa sân có lư hương và bức phù điêu bằng đá chạm khắc long quần vân tản. Hai bên là rồng chầu biểu trưng cho thái bình, thịnh trị, trên là bức cuốn thư đá, một bên là ngọn bút nghiên thể hiện tinh thần hiếu học, một bên là thanh gươm báu thể hiện ý chí quật cường của dân tộc quyết bảo vệ non sông đất nước. Tiền đường dài 15,7 m, rộng 6,1 m xây kiểu bít đốc bổ trụ.

Bộ khung chịu lực gồm 5 vì kèo kiểu kẻ chuyền chồng chóp, chạm nhẹ hoa văn lá lật, hai bộ vì áp hồi làm theo kiểu ván mê... Trong chùa còn lưu giữ được 3 bia đá thời Nguyễn (thế kỷ XIX) ghi lịch sử ngôi chùa và những phật tử có lòng từ bi, góp công của để trùng tu, tôn tạo.

Hằng năm, hội chùa được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 14-16 tháng hai (âm lịch).

NGUYỄN HẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/linh-thieng-chua-ninh-xa-120526